Thành quả của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/9/2017 | 7:04:29 AM

Sau thắng lợi các cuộc biểu tình của nhân dân huyện Nam Đàn (30/8/1930), nhân dân huyện Thanh Chương (1/9/1930); phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh khắp trên hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ngày 7 và ngày 8/9/1930, nhân dân các huyện: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên kéo vào Dinh Công sứ Pháp tại thị xã Hà Tĩnh đưa yêu sách. Nổi bật nhất trong các cuộc biểu tình này là hình ảnh của những người phụ nữ hiên ngang, bất khuất trước súng đạn của kẻ thù. Báo "Người Lao Khổ” số 13 ngày 18/9/1930 đã đưa tin:"... Cuộc đấu tranh dữ dội này cũng như các cuộc đấu tranh dữ dội khác ở Thanh Chương, Bến Thủy, Can Lộc, Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy, mà đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh...".

Ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân ba tổng: Phù Long, Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên và tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn đứng lên đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, đoàn biểu tình kéo đến ga Yên Xuân phá hủy điện thoại, bắt viên ký ga, sau đó tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom hai lần làm 217 người chết và bị thương 125 người. Vụ tàn sát cực kỳ dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.

Kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11) và Quảng châu công xã (12/12), phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ ở các huyện: Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Diễn Châu, Yên Thành, tỉnh Nghệ An...

Từ miền xuôi, phong trào đấu tranh của nhân dân chống Pháp phát triển lên đến các huyện miền núi như: Con Cuông, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Hương Khê, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 4/1931, Chi bộ Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ra đời, do đồng chí Vi Văn Khang, dân tộc Thái làm Bí thư. Ngày 9/8/1931, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, hơn 300 nông dân các dân tộc trong vùng đã tập trung tại cây đa Cồn Chùa mít tinh, sau đó kéo về nhà Chánh đoàn Ba Uôn tịch thu vải, tiền và bạc nén chia cho dân nghèo.

Sức mạnh đấu tranh của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm chính quyền địch lung lay tan rã ở nhiều thôn xã trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các ban chấp hành Nông hội đỏ ở thôn xã (xã bộ nông) dưới sự chỉ đạo của các chi bộ Đảng đã đứng ra đảm nhận chức năng quản lý hương thôn. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 5/12/1930 đã viết: "Hiện nay một số làng Đỏ, Xô Viết nông dân đã được thành lập”.

Sau khi ra đời, chính quyền Xô Viết đã đạt được những thành quả về các mặt:

Về chính trị: Bộ máy của chính quyền thực dân phong kiến ở một số thôn xã bị phá bỏ; nông hội đỏ buộc bọn hương hào, lý trưởng đem nạp sổ sách, con dấu cho chính quyền Xô Viết. Chính quyền Xô Viết ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân trong làng như: hội họp, học chữ quốc ngữ, tự do tham gia các đoàn thể cách mạng...

Về kinh tế: Chính quyền Xô Viết tịch thu ruộng đất công, tiền lúa công chia cho dân nghèo; đồng thời, bãi bỏ các thứ thuế vô lý như: thuế muối, thuế thân, thuế chợ, thuế đò...; buộc các tổng lý phải trả lại cho dân các khoản tiền đã thu, chủ nợ phải xóa nợ cho người nghèo, chủ ruộng phải giảm tô chính bỏ tô phụ cho nông dân... Xô Viết quy định mức tiền cho người đi làm thuê và thực hiện ngày làm 8 giờ; chú trọng đắp đập giữ nước, tu sửa cầu cống, đường giao thông; tổ chức các phường hội để giúp đỡ nhau làm ăn

Về quân sự: Từ tháng 9/1930, chính quyền Xô Viết đã thành lập được 411 đội tự vệ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử. Tự vệ Đỏ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh thôn xóm và đi đầu trong các cuộc đấu tranh.

Về văn hoá xã hội: Chính quyền Xô Viết đã tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân: có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên; bài trừ các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, bói toán cầu cúng, rượu chè, cờ bạc. Việc ma chay, cưới hỏi được thực hiện theo nếp sống mới. 

B.T