Để khai thác, chế biến hiệu quả đá hoa trắng ở Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/9/2017 | 6:46:11 AM

YBĐT - Tháng 10/2015, Sở Công thương Yên Bái đã triển khai Đề tài khoa học "Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vôi công nghiệp từ nguồn đá hoa trắng thải loại trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái”, được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 16/10/2015.

Nhiều mỏ khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên thải loại sau quá trình khai thác có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Nhiều mỏ khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên thải loại sau quá trình khai thác có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.

Mục tiêu của Đề tài là: nghiên cứu, khảo sát, phân tích tính chất cơ, lý, hóa của đá hoa trắng thuộc các mỏ đã cấp phép trên địa bàn huyện Lục Yên; gồm các thành phần lý, hóa, độ cứng, nhiệt độ cần thiết để nung đá hoa trắng thành vôi công nghiệp. Sản xuất thử vôi công nghiệp bằng phương pháp nung trong phòng thí nghiệm. Sản xuất thử vôi công nghiệp bằng phương pháp nung trong lò nung kiểu lò quay. 

Phân tích thành phần hóa, lý của sản phẩm vôi công nghiệp đã được sản xuất thử nghiệm và để so sánh với sản phẩm vôi công nghiệp đang được sử dụng trong sản xuất hàng hóa công nghiệp hiện tại trên thị trường thuộc các tỉnh phía Bắc.

Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: "Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề tài, nhóm nghiên cứu Đề tài đã tiến hành họp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và cộng tác viên để tiến hành triển khai thực hiện theo nội dung của thuyết minh đã được phê duyệt”. 

Kết quả điều tra, khảo sát và phân tích số liệu cho thấy, trên địa bàn huyện Lục Yên có 21 mỏ đang khai thác khoáng sản đá hoa trắng có thành phần hóa học: CaO > 50%; MgO < 4%;  SiO2  < 3%; Fe2O3 < 0,2%. 

Nhóm thực hiện Đề tài đã điều tra, khảo sát, phỏng vấn trực tiếp cho thấy hoạt động khai thác, chế biến đá hoa trắng trên địa bàn huyện Lục Yên hiện nay đang diễn ra khá mạnh và có hiệu quả về kinh tế, thu hút lượng lớn người lao động và tạo động lực cho phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách của địa phương. 

Tất cả những đơn vị, cá nhân được khảo sát đều có ý kiến cho rằng nên có phương án để tận thu lượng đá hoa trắng thải loại này. Bởi một lượng lớn đá hoa trắng thải loại  (khoảng 15 triệu tấn) sau quá trình khai thác và chế biến đang có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh. 

Khi mà hầu hết các doanh nghiệp mới dừng lại việc khai thác thô chưa xây dựng nhà máy chế biến sâu, tổn thất sau khai thác nhiều do áp dụng công nghệ còn lạc hậu, chất lượng đá không đúng theo báo cáo địa chất thăm dò...

Nhóm nghiên cứu Đề tài đã tiến hành lấy 32 mẫu đá tại 7/15 mỏ của 7 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, chế biến đá hoa trắng trên địa bàn huyện Lục Yên. Kết quả phân tích 32 mẫu trên của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cho thấy có 30/32 mẫu có hàm lượng CaO > 50% trở nên, MgO < 2%, SiO2 <2,3% , Fe2O3 < 0,2%, Al2O3 < 0,1%, mất khi nung khoảng 41 đến 43%, độ cứng từ 3 đến 4 đủ tiêu chí để nung và phân tích sau nung. 

Nhóm nghiên cứu Đề tài đã chọn 8 mẫu của 4 mỏ có các thành phần hóa học có chất lượng đảm bảo là: CaO > 53% trở nên, MgO < 2%, SiO2 <2,3% , Fe2O3 < 0,2%, Al2O3 < 0,1%, để tiến hành nung trong phòng thí nghiệm và phân tích thành phần hóa học sau nung. Kết quả phân tích 8 mẫu trên cho thấy có 8/8 mẫu có hàm lượng CaO > 90% trở lên, 6/8 mẫu có MgO < 1%, 6/8 mẫu có SiO2 <1% , 8/8 mẫu có Fe2O3 < 0,03%, 4/8 mẫu có Al2O3 < 0,1%, thời gian lưu mẫu là 4 giờ 30 phút. So sánh với các mẫu vôi dùng trong các ngành công nghiệp đang được bán trên thị trường cho thấy 8 mẫu này đều đảm bảo các chỉ tiêu của vôi công nghiệp.
 
Ngày 01/3/2016, Nhóm nghiên cứu Đề tài đã họp thống nhất lựa chọn lấy 2 mẫu trong số 8 mẫu có kết quả phân tích tốt nhất sau nung để tiến hành lấy mẫu (mỗi mẫu 10 tấn) và nung công nghiệp là các mẫu ĐT 01/HĐS và ĐT 02/HĐS. Sau khi nung đã tiến hành lấy 2 mẫu ngẫu nhiên từ 2 lượng vôi công nghiệp đem đi phân tích thành phần hóa tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. 
 
Qua kết quả phân tích 2 mẫu vôi sau nung và so sánh với chỉ tiêu vôi dùng trong các ngành công nghiệp của một số doanh nghiệp đang sản xuất và bán trên thị trường hiện nay như: Công ty cổ phần Hùng Long, Công ty TNHH Phú Thành Đạt, Công ty TNHH Một thành viên Vôi Việt Nam sản xuất ra vôi có thành phần CaO > 90% trở lên, MgO < 1%, 6/8 mẫu có SiO2 < 0,1%, Fe2O3 < 0,03%, Al2O3 < 0,1% cho thấy 2 mẫu vôi sau khi nung đủ điều kiện sản xuất vôi công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Kết quả thực hiện Đề tài "Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vôi công nghiệp từ nguồn đá hoa trắng thải loại trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” là cơ sở để các ngành chức năng của tỉnh và huyện Lục Yên đưa nguồn đá hoa trắng thải loại ở các bãi thải trên địa bàn huyện vào quy hoạch phát triển vôi công nghiệp trong cả nước và thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. 

Tăng cường chỉ đạo trong việc chế biến sâu để tránh gây lãng phí tài nguyên, tạo thêm việc làm cho người lao động và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tận dụng được nguồn đá hoa trắng thải loại đang có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Cao Chính