Thắp lửa đam mê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/9/2017 | 8:03:30 AM

YBĐT - Học theo Bác, noi gương Bác với mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, đoàn viên Bàn Tiến Nhị, dân tộc Dao, sinh năm 1992 ở thôn Khe Giang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. 

Bàn Tiến Nhị (bên trái) giới thiệu cách nuôi ếch với các bạn trong xã.
Bàn Tiến Nhị (bên trái) giới thiệu cách nuôi ếch với các bạn trong xã.

Chị đã trở thành người đầu tiên của xã nuôi trồng thủy sản bán công nghiệp theo phương pháp mới, kết hợp chăn nuôi lợn rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập, mở hướng đi mới cho đoàn viên thanh niên trong xã lập thân lập nghiệp. 

Biết tin Nhị vừa vinh dự được tuyên dương là một trong số gần 50 thanh niên tiêu biểu học tập và làm theo Bác tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Văn Yên tổ chức, chúng tôi quyết định lên đường để mắt thấy, tai nghe về thành công trong mô hình phát triển kinh tế "mới lạ" của Bàn Tiến Nhị.
 
Trên con đường bê tông uốn lượn chạy dài từ đầu xã, chỉ mất vài phút chúng tôi đã đến nhà anh. Thật nể phục, một chàng trai trẻ như Nhị, chưa có chút kinh nghiệm làm ăn mà lại biến cả một vùng đất đai rộng lớn thành mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao! Không muốn nói nhiều về mình, nhưng nhìn những thành quả lao động ấy, ai cũng hiểu rằng, những điều người dân nơi đây nói về anh không hề sai.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê vốn nổi tiếng với cây quế, song anh lại không đi theo nghề trồng quế. Sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin, Nhị cũng đã bươn chải, kiếm sống bằng nghề mà mình được đào tạo, nhưng anh thấy không mấy khả quan. Sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê người, nhận thấy không đâu bằng quê mình. Vậy là, năm 2013, Nhị trở về quê để lập nghiệp.
 
Không tiếp nối nghề trồng quế, Nhị tự tìm cho mình hướng đi riêng. Sẵn nguồn nước sạch, khí hậu trong lành, phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, sau khi tìm hiểu một số thông tin trên mạng và qua sách báo, Nhị thấy việc nuôi ếch là hướng đi tốt. Gom nhặt vốn liếng được 30 triệu đồng, anh quyết định mua 6.000 con ếch giống nuôi thử nghiệm trên 1 sào ao.
 
Để có thêm kiến thức, ngoài việc tìm tòi qua sách hướng dẫn kỹ thuật, qua mạng Internet, Nhị tìm đến những trang trại lớn ở Hà Nội, Thái Bình, Quảng Bình để học tập và làm theo. Vậy là, sau 3 tháng, lứa ếch đầu tiên đã có thu nhập, trừ tất cả các chi phí, anh lãi trên 30 triệu đồng. Thành công đạt được từ lứa ếch đầu tiên như một điểm tựa tạo thêm động lực thúc đẩy Nhị mạnh dạn hơn trên con đường lập nghiệp để có thêm niềm tin đi những bước tiếp theo đầy quyết tâm.

Với số tiền từ lứa ếch đầu tiên, anh đã vay thêm 80 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên để mở rộng diện tích ao nuôi lên 4 sào, với hơn 2 vạn con ếch/lứa. Bằng những kinh nghiệm từ việc nuôi lứa ếch đầu tiên, cộng với tinh thần ham học hỏi, cần cù, những lứa ếch tiếp theo tiếp tục mang lại cho Nhị những thành công ngoài mong đợi.
 
Nhận thấy, nếu chỉ nuôi ếch ở tầng nước mặt thì rất lãng phí diện tích ao nuôi, thời gian chăm sóc, nguồn nước và nguồn thức ăn, Nhị đã đầu tư thêm vốn để vừa nuôi ếch bán công nghiệp ở tầng nước mặt, tầng dưới mua thêm cá rô phi đơn tính, một số loại cá tầng sâu như cá trê phi, cá lăng… để nuôi. Trung bình một năm, Nhị nuôi 3 lứa ếch và 2 lứa cá, trừ chi phí đầu tư còn lãi 120 triệu đồng.
 
Chưa muốn dừng ở đó, với quỹ đất tương đối rộng, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn cùng vốn tích lũy được để đầu tư trên 160 triệu đồng mua 12 con lợn rừng giống về nuôi và xây dựng chuồng trại. Với cách thức chăm sóc hợp lý, chế độ ăn đảm bảo nên đàn lợn rừng phát triển tốt và đến nay đã sinh sản lên 30 con. Trừ tất cả các khoản chi phí, công lao động, mỗi năm anh thu lãi trên 80 triệu đồng.

Chia sẻ về công việc của mình, Nhị cho biết: "Lúc đầu, gia đình, người thân thấy tôi làm hơi mạo hiểm nên mọi người cũng ngăn cản, bởi đồng đất này nhiều đời nay chỉ quen với cây quế nên mọi người sợ tôi thất bại. Song, làm kinh tế trước tiên phải có tính quyết đoán, hơn nữa cần phải có chút mạnh bạo và phải lựa chọn mô hình sao cho hợp lý nhất, rủi ro thấp. Bên cạnh đó, phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và phải thật sự tâm huyết với nghề. Có như vậy, mới không sợ thất bại”.
 
Là người cởi mở, luôn mong muốn quê hương ngày càng giàu đẹp, người dân ngày càng bớt khó khăn, với cách làm và kết quả đạt được, anh đã không ngần ngại vận động mọi người làm theo, trước hết là người trong nhà, sau đó đến bà con làng xóm.
 
Những kinh nghiệm tích lũy được, Nhị cũng đều truyền đạt lại cho bà con để cùng nhau làm giàu và anh đã tạo được không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong lực lượng thanh niên vượt khó vươn lên lập thân lập nghiệp. 

Chưa bằng lòng với những kết quả mình đã đạt được, Nhị vẫn còn ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão. Dự định trong thời gian tới, Nhị sẽ mở rộng quy mô thành mô hình chăn nuôi khép kín, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ những đoàn viên thanh niên trong thôn, xã tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp tại địa phương.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không lùi bước trước những khó khăn và bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thành công trong mô hình phát triển kinh tế của Bàn Tiến Nhị đã thắp sáng lên ngọn lửa đam mê khởi nghiệp trong thanh niên, góp phần xây dựng giá trị, hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới, đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Lệ Thanh