Tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Tây Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/10/2017 | 3:31:41 PM

YênBái - YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích; triển khai các biện pháp cấp bách để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mua to đên rất to từ đêm 10 sang ngày 11/10, nước lũ trên suối Ngòi Thia dâng cao đã cuốn trôi 1 mố và 2 nhịp cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ; các tuyến tỉnh lộ 174, 166 và quốc lộ 32 bị sạt lở tại nhiều điểm khiến giao thông tạm thời bị chia cắt gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

Theo chứng kiến của người dân, khi cầu Ngòi Thia bị sập có ít nhất khoảng 5 người đã bị lũ cuốn trôi, 1 người may mắn bơi được vào bờ. Trong đó, nhà báo Đinh Hữu Dư - phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái đang tác nghiệp trên cầu được nhận định có thể đã bị rơi xuống dòng lũ.

Tại thị xã Nghĩa Lộ có 24 tổ dân phố, thôn, bản bị ngập khiến 2 người bị thương; trên 300 nóc nhà bị ngập, trong đó 15 nhà ngập hoàn toàn, 6 nhà bị cuốn trôi, trong đó có 1 nhà văn hóa bị sập.

Thống kê đến 14 giờ ngày 11/10, đã có 20 người thương vong và mất tích do lũ, trong đó 3 người chết ở huyện Trạm Tấu; 10 người mất tích (huyện Văn Chấn 4 người, huyện Trạm Tấu 5 người; thị xã Nghĩa Lộ 1 người); 7 người bị thương (thị xã Nghĩa Lộ 2 người, Trạm Tấu 5 người). 

Mưa lũ cùng đã làm thiệt hại 739 ngôi nhà, trong đó có 30 nhà bị sập, trôi hoàn toàn (Văn Chấn 14, Nghĩa Lộ 10, Trạm Tấu 6); 153 nhà phải di dời người và tài sản (Văn Chấn 107, Nghĩa Lộ 29, Văn Yên 17); 533 nhà bị ngập nước (Văn Chấn 242, Nghĩa Lộ 311 nhà)… 

Mưa lũ đã làm sạt lở 2.000 m khu vực kè suối Thia, trong đó, huyện Văn Chấn 1.000 m, thị xã Nghĩa Lộ 1.000 m. Đặc biệt, mưa lũ đã làm sập 2 nhịp cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ; các tuyến tỉnh lộ 174, 166 và quốc lộ 32 bị sạt lở tại nhiều điểm khiến giao thông tạm thời bị chia cắt. Huyện Trạm Tấu đang bị cô lập do tuyến đường giao thông từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu bị cắt đứt hoàn toàn với hàng trăm điểm sạt lở taluy.

Để giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ và ổn định cuộc sống, tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng đối với mỗi người chết, mất tích; hỗ trợ nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn 25 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người đối với người bị thương. 

Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích; triển khai các biện pháp cấp bách để khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra; tập trung máy móc, phương tiện để giải phóng đất, đá sạt lở, khai thông các tuyến đường bị ách tắc, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt với các vùng, khu vực bị chia cắt.

Đồng chí yêu cầu tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng, thấp, ngập lụt ven sông suối; đảm bảo an sinh, ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng; kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.

Triển khai tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khôi phục sự cố lưới điện, thông tin liên lạc trước và sau mưa lũ; tăng cường chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn triển khai việc cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác, cảnh báo cho người dân tại các điểm xung yếu, bến đò ngang, ngầm tràn giao thông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy siết khi có lũ.

Kiên quyết không để các phương tiện, nhất là các xe chở khách đi qua các đoạn đường không đảm bảo an toàn; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. 

Đặc biệt trong thời gian diễn ra mưa, bão cần tích cực tuyên truyền người dân không được ngủ trên ruộng, nương đề phòng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người.

Văn Tuấn - Mạnh Cường