Phát huy vai trò doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ hội nhập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2017 | 1:47:21 PM

YBĐT - Hiện nay, tỉnh Yên Bái có gần 1.600 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng; trong đó, có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư trên 205 triệu USD. Có thể khẳng định, trong sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đã có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân (DNDN).

Năm 2016, cộng đồng DNDN đã đóng góp vào ngân sách trên 879 tỷ đồng, chiếm khoảng 41% tổng thu cân đối của tỉnh; giải quyết gần 30.000 lao động. Đến hết tháng 9/2017, có 1.721 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 31.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Để phát huy vai trò DNDN trong thời kỳ hội nhập, những năm qua, tỉnh đã cam kết thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện, hiệu quả; cải cách hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Hàng tháng, UBND tỉnh đều tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" với các chủ đề, lĩnh vực khác nhau để trao đổi, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...
 
Cùng đó, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các ngành, lĩnh vực, ưu tiên một số lĩnh vực như khai thác, chế biến sâu khoáng sản, chế biến các sản phẩm nông - lâm, thủy sản; hỗ trợ chế tạo công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị y tế; sản xuất năng lượng sạch, dịch vụ du lịch, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các chủ trương của tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin của các DNDN trên địa bàn và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đổi mới quản lý điều hành, đầu tư công nghệ mới để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm, chủ động tháo gỡ khó khăn; xây dựng chiến lược kinh doanh bám sát kế hoạch phát triển của tỉnh; tiếp tục xây dựng văn hóa DNDN, xây dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, chia sẻ với chính quyền thực hiện an sinh xã hội; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về kinh doanh; đầu tư an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; chú trọng nâng cao đời sống cho người lao động; mỗi DNDN cần phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để khởi nghiệp và phát triển bền vững, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế.

Thanh Tân