Công an Yên Bái căng mình trong lũ giúp dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/10/2017 | 6:56:37 AM

YBĐT - Trong lúc nguy nan nhất, rất cần bản lĩnh vững vàng, kinh nghiệm và trí thông minh, quyết đoán của người chiến sỹ phòng chống cứu hộ, cứu nạn dù ở xa vẫn tư vấn, giúp đỡ để có thể giải cứu an toàn…

Lực lượng công an cứu người và tài sản, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Lực lượng công an cứu người và tài sản, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Trận mưa lũ xảy ra rạng sáng ngày 11/10/2017 trên địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh đã để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị sạt ta-luy, ngập sâu, gây chia cắt nhiều địa phương. Không quản ngại khó khăn, vất vả, lực lượng công an đã liên tục bám trụ tại các địa bàn trọng điểm, giúp đỡ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Tập trung tìm kiếm người mất tích

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 12/10/2017, lực lượng cứu hộ huyện Văn Chấn đã tìm thấy 1 nạn nhân mất tích ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A. Nạn nhân tìm thấy được xác định là anh Hoàng Văn Quân, sinh năm 1979 ở thôn Bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn. Đây là nạn nhân trong gia đình có 4 người bị mất tích ở thôn Bản Thón. Sau đó, vào lúc 9 giờ 30 sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn huyện Văn Chấn tiếp tục tìm thấy xác nạn nhân thứ 2. Nạn nhân được xác định là anh Lường Văn Nghĩa, sinh năm 1990 ở thôn Sang Thái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Lực lượng cứu hộ đã rất nỗ lực huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm người mất tích.
 
Trong những ngày mưa lũ, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo bố trí dọc suối Thia từ 50 đến 100 m có một tổ chốt chặn để tìm kiếm nạn nhân, các tổ cảnh sát giao thông chốt chặn phân luồng xe tránh gây ách tắc, lực lượng hậu cần bảo đảm lương thực thực phẩm tiếp tế, cứu trợ người dân bị cô lập… Mọi việc đều diễn ra hết sức khẩn trương.
 
Giải cứu từ xa

5 giờ 10 phút ngày 11/10/2017, chuông điện thoại của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh reo vang. Phía đầu dây bên kia anh Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 3 báo cáo: "Tại Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 3 thuộc xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu có 6 công nhân đang làm việc tại 3 tầng tum của Nhà máy bị mắc kẹt. Nước ngày một dâng cao, nếu không được giải cứu kịp thời thì sinh mạng những người này khó được bảo toàn”.

Ngay lập tức, Trung tá Nguyễn Kim Oanh - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH liên lạc với Trung tá Hoàng Đình Hòa – Đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phụ trách khu vực miền Tây khẩn trương cơ động đến hiện trường; đồng thời, đề nghị anh Sơn cho một số điện thoại của anh em công nhân đang gặp nguy hiểm.
 
Anh Thành (1 trong 6 công nhân) giọng đã bắt đầu hoảng loạn: "Nước về nhanh quá anh ơi! Chúng em không còn đường thoát rồi. Em đã gọi điện về cho vợ nói lời từ biệt”. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, Trung tá Oanh yêu cầu anh Thành và anh em công nhân không mất bình tĩnh, đầu hàng số phận.
 
Sau khi nắm bắt được khoảng cách giữa tầng tum của Nhà máy và điểm gần bờ nhất không quá xa, Trung tá Oanh hướng dẫn anh em tự tìm lối thoát lên tầng thượng để kêu gọi sự giúp đỡ của người dân gần đó, đồng thời Trung tá Oanh liên hệ ngay với Công an huyện Trạm Tấu để chỉ đạo sự phối hợp kịp thời. Sau khoảng 40 phút vật lộn giữa sự sống và cái chết, sự ứng cứu kịp thời của nhân dân địa phương (dùng dây quăng ra để anh em công nhân bám lấy, cột chặt vào từng người để lần lượt thoát vào bờ).
 
Trung tá Oanh xúc động: "Trong công tác CNCH, công tác 4 tại chỗ là hết sức quan trọng. Bởi lúc nghe tin báo, tôi đã điện báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, trong đầu tôi đã nghĩ đến phương án: dùng trực thăng cứu hộ nhưng tôi sợ mạng người đang lơ lửng trên đầu sóng, liệu còn thời gian… Rõ ràng, trong lúc nguy nan nhất, rất cần bản lĩnh vững vàng, kinh nghiệm CNCH và trí thông minh, quyết đoán của người chiến sỹ PCCC&CNCH, dù ở xa vẫn tư vấn, giúp đỡ để có thể giải cứu an toàn…”.
 
Giúp người già, trẻ nhỏ được an toàn

Tại thành phố Yên Bái, nước sông Thao dâng cao đã làm toàn bộ tuyến đường Thanh Niên ngập sâu. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Yên Bái đã huy động tối đa lực lượng phối hợp với lực lượng quân đội thông báo tình hình mưa lũ để người dân dọc tuyến đường Thanh Niên được biết, đồng thời dùng xe chuyên dụng đưa người già, trẻ em đến khu vực an toàn.
 
Tổ công tác do Thượng tá Đồng Văn Thắng – Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông trực tiếp chỉ huy đã giải cứu kịp thời 1 cụ già bị bại liệt. Không giấu được xúc động, ông Đồng Văn Võ, trú tại tổ 5H, phường Hồng Hà cho biết: "Do bị liệt phải ngồi xe lăn nên tôi không thể tự di chuyển trong khi nước sông vẫn đang lên cao. May mắn tôi đã được các chiến sỹ công an dùng thuyền máy đưa đến tận nhà người thân để tránh lũ”.

Tại khu vực Trường Tiểu học Hồng Thái, nơi có gần 1.000 em học sinh đang theo học, nước sông dâng cao đã làm ngôi trường bị cô lập hoàn toàn. Lực lượng cứu hộ đã dùng xe chuyên dụng và huy động các phương tiện của quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn đưa các cháu đến khu vực sân vận động thành phố Yên Bái để gia đình đến đón về. Không quản ngại khó khăn vất vả, cán bộ, chiến sỹ cũng đã vận chuyển trên 10 tấn gạo cùng nhiều hàng hóa của các hộ kinh doanh khu vực ga Yên Bái, chợ Yên Bái và chợ Hồng Hà đến nơi an toàn.

Để tiếp tục giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn lũ gây ra, hiện Công an tỉnh tiếp tục huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho các điểm bị thiệt hại, giúp đỡ nhân dân dựng lại nhà cửa, sơ tán đến các điểm an toàn. Đặc biệt là huy động lực lượng bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là tại những nơi phải di dời dân đi và đến.
 
Chí Dân - Cảnh Toàn