Trấn Yên: Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/11/2017 | 6:47:21 AM

YBĐT - Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, những năm qua, huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), khảo sát nhu cầu học nghề, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đào tạo nghề theo nhu cầu… Góp phần nâng cao trình độ tay nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT.

Lớp học nghề sơ chế kén tằm tại xã Tân Đồng.
Lớp học nghề sơ chế kén tằm tại xã Tân Đồng.

Theo khảo sát nhu cầu về học nghề của LĐNT, hàng năm, trên địa bàn huyện có khoảng 2.500 lao động thiếu việc làm, chủ yếu thuộc lĩnh vực nghề nông nghiệp chiếm 80%, nghề phi nông nghiệp là 20%. Để đẩy mạnh công tác dạy nghề, huyện đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 ở tất cả 22/22 xã, thị trấn trong toàn huyện. Nội dung triển khai tập trung vào tuyên truyền về các chính sách và tư vấn học nghề cho LĐNT trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, phát tờ rơi và tư vấn trực tiếp cho người lao động (NLĐ).
 
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp uy tín mở các lớp dạy nghề và tuyển dụng lao động. Qua công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, NLĐ đã hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia học nghề, nắm bắt được cơ hội tìm việc làm và tích cực tham gia học nghề.
 
Những năm qua, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác đào tạo và tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn NLĐ. Điển hình như Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, tuyển sinh đào tạo nghề may cho 722 NLĐ của huyện. Công ty Sam Sung Việt Nam, tuyển dụng và đào tạo trên 300 lao động. Hàng năm còn có trên 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài có việc làm và thu nhập ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên là cơ sở dạy nghề chính với 18 nghề đăng ký, trong đó có 6 nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe máy, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, sửa chữa điện dân dụng, may dân dụng và may công nghiệp và 12 nghề nông nghiệp như: chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn thịt hướng nạc và lợn nái sinh sản, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng ngô, nuôi tằm và sơ chế kén tằm, trồng và sơ chế măng tre Bát độ, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng nấm…
 
Thời gian đào tạo từ 1 đến 1,5 tháng đối với nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 3 tháng đối với nghề phi nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 3.955 người theo Quyết định số 1956 theo các nhóm đối tượng: 52 lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo…

Sau khi được đào tạo nghề NLĐ trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình như: nuôi tằm, sơ chế tằm tại các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành…; trồng và chế biến măng tre Bát độ ở Hồng Ca, Kiên Thành…; cây ăn quả có múi ở Hưng Thịnh, Lương Thịnh… Không ít hộ gia đình phát triển chăn nuôi lợn, gà, trồng dâu nuôi tằm, kinh doanh tổng hợp hiệu quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm. Điển hình như hộ gia đình các ông, bà: Hà Văn Vẻ, thôn Trực Khang, xã Hưng Thịnh; Hoàng Huy Tuấn, thôn 3, thị trấn Cổ Phúc; Nguyễn Thị Liên, thôn 4, xã Đào Thịnh; Tạ Thị Phương, thôn 5, xã Tân Đồng…
 
Đồng chí Vũ Văn Phong - Phó trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Từ năm 2010 đến nay, kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đã thực hiện đạt trên 10,2 tỷ đồng, trong đó trên 8,2 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và gần 2 tỷ đồng ngân sách địa phương. Số tiền trên, chúng tôi đã chi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề trên 4,2 tỷ đồng và hỗ trợ đào tạo cho LĐNT gần 5,1 tỷ đồng… Khó khăn trong công tác đào tạo nghề của huyện hiện nay là công tác tư vấn học nghề ở một số địa phương còn hạn chế; cơ sở vật chất dạy nghề còn thiếu ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp còn thấp… đã ảnh hưởng đến việc thu hút lao động tham gia học nghề”.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, huyện Trấn Yên đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho 1.619 LĐNT với nhóm nghề nông nghiệp là 1.070 người (chiếm 65%), nghề phi nông nghiệp là 540 người (chiếm 35%). Các giải pháp chính được đề ra như: tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương; các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và tuyển dụng lao động… góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng cao của xã hội hiện nay.

Thái Hưng