Lo cho đàn trâu Nậm Mười

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2017 | 1:49:54 PM

YBĐT - Đáng mừng, Nậm Mười là một trong những xã có đàn trâu lớn nhất huyện song điều đáng lo là mùa đông 2017 - 2018 được dự báo sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục. 

Chuồng trại tạm bợ và xiêu vẹo, rách nát như thế này ở xã Nậm Mười thì không thể chống rét được cho trâu, bò.
Chuồng trại tạm bợ và xiêu vẹo, rách nát như thế này ở xã Nậm Mười thì không thể chống rét được cho trâu, bò.

Mặc dù đã giảm hơn 100 con so với năm 2016, nhưng hiện nay xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn vẫn là một trong những xã có đàn trâu lớn nhất huyện với 1.203 con. Nhiều gia đình trong xã có hai, ba chục con trâu như nhà ông Đặng Phúc Thắng ở thôn Trang và một số hộ khác ở Làng Cò, Bó Siu, Khe Lo... Đồng bào Dao ở Nậm Mười nhiều trâu là rất đáng mừng, nhưng điều đáng lo là mùa đông 2017 - 2018 được dự báo sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, trong khi đó việc phòng, chống rét cho trâu bò, nhất là nguồn thức ăn dự trữ lại rất hạn hẹp.

Ông Bàn Kim Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: toàn xã Nậm Mười mới chỉ có 50% số trâu, bò có chuồng trại cẩn thận. Trong khi đó, bãi chăn thả tự nhiên đang thu hẹp do phong trào trồng quế phát triển mạnh thì diện tích trồng cỏ lại không lớn, năng suất, sản lượng chưa cao. Đặc biệt, người Dao ở Nậm Mười vẫn chưa có thói quen trữ rơm cho trâu bò ăn.

Mùa đông năm 2015, xã Nậm Mười có 40 con trâu chết và trước đó vào năm 2012 số trâu chết còn lớn hơn (toàn xã có trên 100 con trâu gục ngã vì đói và rét). Ai đã từng lên vùng cao Nậm Mười vào những ngày đông mới thấy khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt; nhiệt độ xuống rất thấp, gió thổi mạnh, càng buốt giá hơn khi trời đổ nưa phùn; cỏ cây phần lớn đều khô héo...

Trong điều kiện thời tiết buốt giá ấy, trâu, bò đói ăn, cước chân rồi ngã gục. Mỗi con trâu giá cả chục triệu đồng và nếu gục xuống, mổ ra bán đổ, bán tháo chỉ được hai phần là may, nên thiệt hại là rất lớn nhưng bà con trong xã vẫn chủ quan trong việc bảo vệ trâu, bò mùa rét.

 Chúng tôi đến thôn Nậm Mười và qua nhà nhiều hộ dân mà chẳng thấy hộ nào cất trữ rơm khô. Thi thoảng mới thấy một bãi cỏ voi vàng vọt, đặc biệt là bắt gặp nhiều chuồng trại tạm bợ, không che chắn, mái cọ thủng nhiều chỗ, có cái mái đã tụt xuống phần ba. Trò chuyện với bà con thì mọi người đều nói: "Rơm khô trâu nhà mình không ăn! Mùa đông thiếu cỏ thì vợ chồng chịu khó đi cắt cỏ, lấy chuối ngoài rừng về cho ăn”...

Có lẽ sống dựa vào thiên nhiên vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao Nậm Mười. Họ tốn sức, mất công đi cả buổi mới cắt được bó cỏ hay chặt được cây chuối về cho trâu, cho lợn nhưng họ lại không trồng thật nhiều cỏ, trồng vài chục bụi chuối lấy quả, thân, lá. Rơm khô trâu, bò nào chẳng ăn. Cán bộ kỹ thuật về tận xã, xuống tận bản tập huấn, chỉ bảo cách làm cây rơm, nhà rơm và chế biến thức ăn cho trâu, bò bằng cách ủ cho lên men, tưới nước muối vào rơm rạ... nhưng bà con chưa chịu nghe, làm theo hướng dẫn.

Chuyện bi hài vẫn xảy ra ở vùng cao như chuyện con trâu vài ba chục triệu là tài sản lớn nhất của gia đình nhưng bà con để mặc đói rét, mưa phùn gió bấc cũng kệ nhưng cái xe máy hơn chục triệu đồng, có cái chỉ hai, ba triệu nhưng bà con lại giữ rất cẩn thận. Hỏi ra thì ai cũng bảo: "Khỏe như trâu thì sợ gì”.

Đúng là khỏe như trâu thật, nhưng sức nó đâu có vô hạn và chịu rét nhiều ngày, thiếu ăn nhiều bữa thì sức mấy cũng gục. Có năm gục cả trăm con chứ đâu có ít. Vì thế, bà con ta phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phải loại bỏ những con trâu già yếu, sản xuất không nên quá phụ thuộc vào thiên nhiên. Bãi chăn thả đang thu hẹp rất nhanh thì phải tăng mạnh diện tích trồng cỏ, nhất thiết phải trữ rơm rạ cho trâu, bò và phải làm chuồng trại cẩn thận.

Chăn nuôi trâu bò là nghề truyền thống và là thế mạnh của vùng cao từ nhiều năm qua, nhưng nghề này đã và đang bị ảnh hưởng bởi phong trào trồng và bảo vệ rừng phát triển khiến bãi chăn thả thu hẹp. Trước thực tế ấy, bà con cần đổi mới cách thức sản xuất, chuyển dần sang chăn thả bán công nghiệp, tăng lượng thức ăn tinh, trồng cỏ, trữ rơm, hạn chế dần nguồn thức ăn tự nhiên... Có như vậy thì năng suất, chất lượng, quy mô đàn trâu, bò mới lớn được, nhất là chấm dứt tình trạng trâu, bò chết đói chết rét vào mùa đông.

Lê Phiên