Giải pháp cho những thách thức từ cơ cấu "dân số vàng"

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/12/2017 | 7:55:50 AM

YBĐT - Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nước ta bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 - 2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% tổng dân số. Chất lượng dân số đã được cải thiện đáng kể về nhiều mặt.

"Dân số vàng" là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Nếu như trước đây, 1 người trong độ tuổi lao động phải lo cho 1 người phụ thuộc là trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 60 tuổi thì hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn 2 người lao động chỉ phải lo cho 1 người phụ thuộc. Đây chính là cơ hội quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội ấy vẫn đang là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành, các địa phương cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.
 
Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Yên Bái chưa cao. Toàn tỉnh hiện có gần 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động (từ 15-24) chưa có việc làm còn cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt trên 50%, trong đó qua đào tạo nghề bằng 35%, tỷ lệ người già có xu hướng tăng trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", làm phát sinh nhiều nhu cầu mới về chi trả lương hưu, bảo hiểm, hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS), song vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là, mức sinh tuy giảm nhưng ở vùng đặc biệt khó khăn, nơi nền kinh tế chưa phát triển, mức sinh vẫn còn cao (tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ suất sinh thô vẫn còn 20%o); tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại mới đạt gần 75%.
 
Dự kiến 5 năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng do hệ quả của mức sinh cao từ những năm 2008 - 2009. Bên cạnh đó, ý thức thực hiện hiệu quả quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con trong nhân dân chưa thực sự bền vững, dẫn tới nguy cơ tăng mức sinh trở lại. Về cơ cấu dân số, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của Yên Bái cao hơn so với cả nước (112,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái), tập trung ở địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
 
Chất lượng DS - SKSS còn nhiều vấn đề đặt ra như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội còn phổ biến; tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở mức thấp; tình trạng sức khỏe bà mẹ còn nhiều thách thức; SKSS, sức khỏe tình dục ở nhóm vị thành niên, thanh niên chưa được quan tâm đúng mức; dịch vụ SKSS cho các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cao tuổi) chưa sẵn có, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân…

Giải pháp cho những thách thức từ cơ cấu "dân số vàng" là phải phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Song song với việc bảo đảm quyền và trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh với quy mô dân số hợp lý cần tích cực tuyên truyền, vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
 
Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con. Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số và phát triển. Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
 
Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành y tế phải là lực lượng nòng cốt. Cuối cùng, phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Thanh Hương