Đắm say điệu xòe then

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/2/2018 | 8:55:05 AM

YBĐT - Xòe then của người Tày là biểu trưng cho sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể. Trong các buổi sinh hoạt then, cùng với cây đàn tính, nhạc chuông, còn có thêm các nhạc cụ khác như trống và sáo trúc. Sự kết hợp hài hòa âm thanh của các nhạc cụ làm cho sinh hoạt then càng thêm sôi động và lôi cuốn.

Người Tày Đại Lịch biểu diễn điệu xòe then tại đình Bằng Là.
Người Tày Đại Lịch biểu diễn điệu xòe then tại đình Bằng Là.

Mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các lễ hội, trên khắp bản làng của người Tày ở Đại Lịch, huyện Văn Chấn lại rộn vang tiếng đàn, tiếng sáo, trống và các điệu xòe then. Cây đàn tính là linh hồn của nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Tày Đại Lịch. Dù chỉ có 3 dây nhưng âm thanh êm dịu, thanh thoát của đàn tính vẫn mê đắm lòng người.

Ông Phạm Đình Phi - một nghệ nhân của thôn Bằng Là cho biết: "Với người Tày, biểu tượng đầu tiên là áo chàm, sau đó là đàn tính, làn điệu then. Những nét văn hóa đặc trưng đó được người dân truyền lại qua nhiều đời. Đối với người Tày Đại Lịch, các buổi sinh hoạt then có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong các buổi sinh hoạt then, cùng với cây đàn tính, nhạc chuông, còn có thêm các nhạc cụ khác như trống và sáo trúc. Sự kết hợp hài hòa âm thanh của các nhạc cụ làm cho sinh hoạt then càng thêm sôi động và lôi cuốn”.
 
Xòe then của người Tày là biểu trưng cho sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể. Xòe then của người Tày không giống với xoè của người Thái bởi đặc điểm của âm thanh đàn tính, giai điệu dứt khoát, mạnh mẽ nên các động tác xòe của người Tày theo đó cũng mạnh mẽ, tươi vui.
 
Âm thanh chủ đạo là cây đàn tính, quả nhạc hòa cùng tiếng trống liên tục dồn dập, lúc trầm, lúc bổng làm nhộn nhịp trái tim từ người trẻ đến người già, cùng xòe, cùng nhau cầu cho mùa màng tươi tốt, cho bản làng yên bình, cho lứa đôi hạnh phúc.
 
Người Tày Đại Lịch có những phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa tinh thần có sự khác biệt so với các cộng đồng người Tày nói chung. Họ thờ các thánh, thành hoàng. Đại Lịch có đình Bằng Là thờ thành hoàng làng, tức Cao Sơn đại vương đệ tam và ông tổ họ Phạm tên Phạm Đình Yên đã có công khai khẩn đất đai, chiêu mộ dân chúng, khai phá rừng thiêng, tạo lập bản mường, thờ các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc.
 
Tại đình Bằng Là, vào mùng 5 - 6 tháng Giêng âm lịch thường tổ chức lễ hội đầu xuân năm mới. Trong hai ngày tổ chức lễ hội, phần lễ có đội nữ chức thực hiện các điệu xòe trong các tuần chầu. Xòe then tại phần lễ có 3 điệu: xòe múa khăn, múa kiếm và múa cờ. Điệu múa khăn và múa cờ với ý nghĩa dâng lễ, dâng hương, dâng hoa lên các đức thánh, thành hoàng làng...

Với hình thức truyền miệng từ đời này sang đời khác, đến nay, lớp người già ở Đại Lịch còn nhớ được nhiều điệu then cổ. Ngày nay, phần lớn những tiết mục khắp then của người Tày ở Đại Lịch được sáng tác dựa trên nền của các làn điệu then cổ. Bởi vậy, kho tàng dân ca của Đại Lịch ngày càng phong phú. Nội dung ca ngợi tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương trên đường đổi mới, những khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc.
 
Thu Hiền