Nghi lễ Trù su của người Mông

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/2/2018 | 9:20:10 AM

YBĐT - Nghi lễ Trù su của đồng bào dân tộc Mông là một trong những nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng điển hình với ý nghĩa nhắc con người hướng thiện.

Nghi lễ cúng rừng của người Mông. (Ảnh minh hoạ)
Nghi lễ cúng rừng của người Mông. (Ảnh minh hoạ)


Trong các dòng họ người Mông, mỗi dòng họ chọn một trong ba ngày: 27/7, 19/9 hoặc 29/12 (âm lịch) làm lễ Trù su cho dòng họ mình. Mỗi dòng họ đều bầu ông trưởng họ làm thầy. Hàng năm, cứ đến ngày làm lễ, theo quy định của dòng họ thì mọi người tụ tập ở một gia đình để làm lễ. Mỗi gia đình trong dòng họ sẽ lần lượt luân phiên đăng cai tổ chức làm lễ Trù su tại nhà mình. Những gia đình ở cùng bản với gia đình tổ chức nghi lễ thì cả nhà cùng đi làm lễ hoặc đi bao nhiêu người thì tùy. Còn những nhà ở xa thì chỉ cử một người đến đại diện.
 
Ông Chang Chờ Nù - Trưởng dòng họ Chang ở bản Phình Ngài, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cho biết: lễ vật mà mọi nhà mang đến làm lễ không có gì ngoài 3 cây lau nhỏ và gia đình nào có bao nhiêu thành viên thì lấy từng ấy sợi chỉ nhỏ buộc vào 3 cây lau đó. Cây lau tượng trưng cho cái chổi.
 
Trước khi mang lễ vật đi, người trụ cột trong nhà sẽ cầm những lễ vật này đi lướt quanh nhà tượng trưng cho việc quét qua một lượt nhà cửa, ngoài sân cho hết mọi điều xấu, bệnh tật, vận hạn... rồi đem đi làm lễ nhờ các thần linh về và mang hộ những điều xấu, vận hạn không may mắn đó về trời để gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc...
 
Giờ làm lễ Trù su là buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu mọc. Nghi lễ có hai phần và phần đầu được làm trong nhà. Thầy cúng sẽ báo cáo tổ tiên, có lời mời các thần linh về chứng kiến và điểm danh tất cả các gia đình đến làm lễ để thần linh nắm được mà che chở. Phần sau làm ở ngoài trời. Tất cả già trẻ, gái trai trong dòng họ có mặt tại buổi lễ sẽ đứng gọn vào một địa điểm.
 
Thầy cúng vác theo cây gai, trên ngọn cây có treo các lễ vật gồm cây lau và sợi chỉ mà mọi gia đình mang đến đi vòng quanh đám người.
 
Đồng thời, thầy cúng vừa đọc lời chú nhờ các thần linh giúp chuyển mọi điều xấu, không may mắn, bệnh tật... về trời vừa cầu cho dòng họ trong năm luôn mạnh khỏe, may mắn và an lành. Trong buổi lễ, gia chủ đăng cai cũng chủ động mời một người đàn ông trung tuổi mang họ khác đến cùng dự lễ Trù su.
 
Khi đến phần nghi thức ngoài trời, vị khách này sẽ được phân công cầm nỏ, đến cuối buổi khi thầy cúng làm xong mọi thủ tục và chính thức tuyên bố tiễn mọi vận hạn về trời thì vị khách được phân công cầm nỏ bắn một mũi tên về phía mặt trời với quan niệm là mũi tên sẽ vận chuyển vận hạn về trời.
 
Trong ngày làm lễ Trù su kiêng không giết mổ gia súc, không ăn thịt, mỡ và chỉ dùng cơm chay để con người được thanh bạch, hướng thiện và mong muốn luôn được phù hộ điều may mắn.

Kết thúc bữa cơm chay, mọi người ai về nhà nấy để bắt đầu cho một năm lao động, sản xuất đầy phấn khởi, yên tâm.

A Mua