Trà Việt trên đỉnh Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2018 | 8:10:23 AM

YBĐT - Nhắc đến Suối Giàng, đến chè Shan tuyết, với nhiều người hẳn không còn xa lạ bởi đã trở thành địa danh, thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, để hiểu rõ về vùng đất và loại chè đặc sản này thì không phải ai cũng biết. 

Người Mông xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.
Người Mông xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.


Màu nước vàng sánh tỏa mùi hương thơm ngát, uống vào để lại vị ngọt sâu lắng nơi cổ họng đã làm cho những vị khách phương xa lần đầu đến Suối Giàng, huyện Văn Chấn cảm thấy thật ấm lòng trong tiết trời se lạnh. Cảm giác được thưởng thức thứ đồ uống tinh túy, hội tụ đủ tinh khí của đất trời khiến ai mới lần đầu thưởng thức cũng khó mà quên được.

Nhắc đến Suối Giàng, đến chè Shan tuyết, với nhiều người hẳn không còn xa lạ bởi đã trở thành địa danh, thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, để hiểu rõ về vùng đất và loại chè đặc sản này thì không phải ai cũng biết. Đây chính là lý do để tôi dẫu đã không ít lần đến với Suối Giàng, song vẫn muốn tìm hiểu và khám phá.
 
Đường lên Suối Giàng mùa này đẹp mê đắm lòng người bởi sắc hoa đào, hoa mận, hoa ban bừng sáng trên những triền cao và cả những vườn hoa cải trải dài khoe mình trong sắc nắng. Nằm ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển, Suối Giàng được ví như Sapa, Đà Lạt hay Tam Đảo bởi khí hậu ôn hòa, trong lành, mát mẻ quanh năm.
 
Nơi đây, chẳng ai biết chính xác từ khi nào, cây chè Shan tuyết đã bén rễ rồi trở thành cổ thụ trên non cao Suối Giàng. Cây tuổi ít cũng trên 100 năm, cây nhiều tuổi lên tới hơn 300 năm và cả cây mới trồng. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo có một không hai.
 
Trong hàng nghìn cây chè cổ thụ ở Suối Giàng, có 400 cây mọc tập trung ở 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Bản Mới được công nhận là Cây di sản Việt Nam và có cây trên 300 năm tuổi đã được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Thừa hưởng khí hậu quanh năm mát mẻ, có mây mù che phủ nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết, bởi thế nên được gọi là chè Shan tuyết.
 
Theo truyền thuyết của người Mông xã Suối Giàng thì từ những ngày đầu di cư đến Suối Giàng, sau nhiều ngày vượt suối băng đèo, con người đã mệt và khi nằm nghỉ dưới gốc cây chứng kiến sau khi chim ăn lá cây lạ vào hót rất hay, người ta liền hái lá cây đó ăn thì thấy tinh thần phấn chấn và khỏe mạnh trở lại. Từ đó, người ta chọn nơi đây làm điểm dừng chân và cây chè từ đó được giữ gìn, bảo vệ như một loài cây quý, trở thành chè đặc sản của xã vùng cao này.

Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè cổ thụ đang đâm chồi nảy lộc, đồng chí Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Giàng - một trong những người có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ chè và đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vươn ra thị trường tâm sự: "Ngoài tên gọi Shan tuyết, nhiều người còn gọi loại chè này là chè "5 cực” bởi cực khổ khi trồng và thu hái; cực sạch vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; cực hiếm vì sản lượng ít; cực ngon bởi hội tụ đủ phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như: hương thơm, vị đậm, nước vàng như mật ong. Và vì bốn "cực” trên nên chè Shan tuyết có thêm đặc điểm là "cực đắt”, giá của 1 kg chè loại đặc biệt có giá từ 2 - 3 triệu đồng”.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, có những lúc chè Shan tuyết Suối Giàng đã bị mất thương hiệu vì nhiều loại chè không chất lượng làm giả, làm nhái thương hiệu và người dân không mặn mà với cây chè. Tuy nhiên, đến nay, chè Shan tuyết Suối Giàng đã xây dựng và đăng ký được nhãn hiệu nên thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam...
  
Giá trị và vị thế của chè Shan tuyết Suối Giàng được khẳng định, đây chính là thành quả cố gắng của bao thế hệ người Mông xã Suối Giàng và cả sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh.
 
Để làm ra sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng xứng danh "hương vị di sản trà Việt”, đúng như lời Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng -  Giàng A Đằng chia sẻ, người Mông xã Suối Giàng đã dành cả tình cảm, công sức từ khâu chăm sóc, thu hái cho đến chế biến, bảo quản. Cây chè không chỉ là nguồn sống mà còn gắn chặt với đời sống văn hóa tinh thần của người Mông ở Suối Giàng.



Người dân xã Suối Giàng giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết với du khách.
 
Mời chúng tôi chén chè xuân nóng hổi ngay dưới những tán chè cổ thụ, Giàng Ca - một phụ nữ người Mông có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hái, sao chè và cũng rất sành trong việc uống chè không ngại chia sẻ: "Để có được chè ngon phải hái vào sáng sớm, khi những búp chè vẫn còn ngậm sương. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Lửa sao chè phải giữ liu riu thật đều nhưng vẫn phải luôn hơ tay trần trên chảo để biết "cữ” nóng của chè. Sao rồi phải vò chè bằng tay thật khéo sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây gió núi ngàn vào trong. Để pha trà Shan tuyết ngon nhất, người Mông phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì chén trà mới có hương vị đậm đà và mầu sắc tươi hơn. Nước đã sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại, sau đó mới tiếp tục cho nước vào và chờ vài phút rồi thưởng thức”.
 
Chè Shan tuyết Suối Giàng một năm có thể thu hoạch 4 vụ, song theo người Mông nơi đây thì chỉ có vụ xuân (tháng 3, tháng 4) là cho năng suất cao nhất trong năm, còn vụ cho chất lượng tốt nhất là tháng 5 và tháng 6. Vào mùa thu hoạch chè, đến với Suối Giàng, điều dễ dàng cảm nhận nhất là đâu đâu cũng thấy cảnh thu hái chè, sao chè và mùi chè thơm ngát thơm ngát lan tỏa khắp không gian.
 
Với sản lượng 600 tấn búp tươi mỗi năm, giá bán từ 12.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, hiện chè Shan tuyết đang là nguồn thu nhập chính của hơn 60% số hộ dân Suối Giàng. Trung bình mỗi vụ chè đem về cho người dân nơi đây gần chục tỷ đồng. Vì thế, chè Shan tuyết đã và đang khẳng định rõ vị thế là cây chủ lực trong xóa đói nghèo và làm giàu ở xã vùng cao này.
 
Không khỏi tự hào khi nói về cây chè Shan tuyết Suối Giàng, đồng chí Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: "Nhằm tiếp tục phát huy giá trị cây chè Shan tuyết Suối Giàng, đi đôi với việc bảo tồn diện tích chè Shan tuyết hiện có, những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện cũng đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển cây chè cũng như các cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư vào chế biến chè. Huyện sẽ tiếp tục với mở rộng diện tích chè Shan tuyết lên khoảng 1.000 ha; đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư chăm sóc và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm”.

Chia tay Suối Giàng vào lúc lễ cúng cây chè tổ của bà con người Mông trong xã diễn ra trong không khí tôn nghiêm, thành kính vừa kết thúc, tôi thầm mong cho những nguyện cầu của bà con nơi đây về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc bên những gốc chè Shan tuyết sẽ mãi mãi hiện hữu nơi non cao huyền thoại này.
 
Hồng Oanh