Yên Bái đẩy mạnh phát triển làng nghề nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 | 8:09:54 AM

YBĐT - Những năm gần đây, tại các vùng quê, phong trào phát triển làng nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng bào Dao thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đan rọ tôm.
Đồng bào Dao thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đan rọ tôm.


Tháng 9 năm 2017, người dân thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình vui mừng được công nhận "Làng nghề đan rọ tôm”. Đây là làng nghề đầu tiên của huyện Yên Bình được UBND tỉnh công nhận. Nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An xuất hiện từ những năm 1970, khi có hồ Thác Bà.
 
Trải qua thời gian dài, nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm không ngừng phát triển và trở thành nghề gắn bó với nhân dân trong thôn và là nguồn thu nhập chính cho các gia đình. Hiện nay, trên 80% hộ dân trong thôn giữ nghề đan rọ, mỗi năm sản xuất được 1,4 triệu chiếc, thu hơn 5,3 tỷ đồng/năm. Nghề phụ này đã mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, với bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Sản phẩm của Phúc An được ngư dân ưa chuộng, vì rọ tôm to, bền, đẹp, rong rêu ít bám, nứa đan hom nhỏ, hom mảnh, tôm dễ vào nên đánh được nhiều tôm hơn. Thế nên, người buôn rọ đến từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang... cũng tìm đến.

Những năm gần đây, việc phát triển làng nghề có thế mạnh và có tiềm năng phát triển của địa phương đã được UBND tỉnh và ngành nông nghiệp chú trọng quan tâm.
 
Cùng đó, hoạt động khuyến công đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thành phố, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế và có bước tăng trưởng khá.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số làng nghề như: làng nghề miến đao Giới Phiên ở thành phố Yên Bái; làng nghề tranh đá quý huyện Lục Yên; làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; làng nghề dâu tằm và miến dong huyện Trấn Yên, làng nghề đan rọ tôm huyện Yên Bình, làng nghề sản xuất mỹ nghệ thủ công từ cây quế huyện Văn Yên…

Thời gian tới, để các sản phẩm làng nghề thực sự trở thành mô hình kinh tế phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, cần xây dựng những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trong việc phát triển các làng nghề truyền thống.
 
Thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào phát triển làng nghề theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa nhưng vẫn giữ được cảnh quan môi trường. Khuyến khích hỗ trợ xây dựng mới và phát triển các làng nghề có tiềm năng như dâu tằm tơ, nuôi ong mật, trồng nấm, mây tre đan, làng nghề gắn với du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các làng nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Việc phát triển các làng nghề ở nông thôn bền vững, sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố làm thuê, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hồng Duyên