Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2018 | 8:05:22 AM

YênBái - YBĐT - Theo thống kê Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, toàn tỉnh có hơn 205 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn lá. 

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 19.458 ha với cơ cấu giống lúa lai chiếm 60% diện tích chủ lực là các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Nghi hương 305, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Hiện tại, lúa xuân trà I đang trong giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - đòng, trà II đang giai đoạn đẻ nhánh. 

Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 đến nay, thời tiết mưa, nắng xen kẽ nên sâu bệnh hoành hành trên lúa. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 719,2 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 503,7 ha, trung bình 215,5 ha, ngoài ra xuất hiện một số bệnh như: rầy nâu, sâu đục thân, bọ xít, chuột gây hại. 

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là ở nhiều địa phương, bà con đang phải đối mặt với dịch đạo ôn trên lá.
 
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 11/4, toàn tỉnh có 205 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá, trong đó diện tích nhiễm nhẹ là 135,2ha, nhiễm trung bình 60 ha, nhiễm nặng 10 ha; tỷ lệ bệnh phổ biến 2 - 8% lá, cao từ 2 - 30% lá. 

Bệnh gây hại chủ yếu trên các giống nhiễm như: nếp, BC15, Nhị ưu 838, Séng cù, Thiên ưu 8, tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, Văn Yên; trong đó, bệnh gây hại nặng ở các xã: Thanh Lương, Hạnh Sơn, Sơn A, Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

Bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trước diễn biến tình hình sâu bệnh như trên, Chi cục thường xuyên điều tra đồng ruộng để thống kê diện tích nhiễm bệnh, dự báo chính xác, ra thông báo chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các biện pháp phòng trừ để ngành có chỉ đạo kịp thời trong phòng chống dịch bệnh.
 
"Chi cục tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ; phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Nhờ chủ động các biện pháp phòng trừ, nên đến thời điểm này đã cơ bản khống chế được dịch giảm thiểu tối đa thiệt hại diện tích lúa" - bà Yến nói

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh đạo ôn trên lá tiếp tục tăng, bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng và có nhiều khả năng sẽ chuyển lên hại cổ bông. Nếu không chủ động phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có những diện tích lúa bị lụi làm thiệt hại đến năng suất tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
 
Để hạn chế dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu các địa phương gấp rút chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường cán bộ xuống cơ sở, nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh để có biện pháp kỹ thuật kịp thời nhằm khoanh vùng, giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh.
 
Về các biện pháp phòng trừ, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, phát hiện bệnh, khi lúa bị bệnh cần ngừng ngay các hoạt động bón thúc đạm và không phun phân bón lá, chất kích thích. Duy trì mực nước vừa phải trên ruộng để hạn chế tốc độ cháy đạo ôn.
 
Đối với diện tích bệnh nặng, cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu trừ bệnh đạo ôn như: Fujione 40EC, NewHinosan 30EC, Bean 75WP, Trizol 20WP, Kabim 30WP... 

Khi phun phải thực hiện nguyên tắc 4 đúng "đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng và đúng kỹ thuật". Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương cần kiểm tra tình hình cung ứng thuốc bảo vệ thực vật của các đại lý không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra.

Văn Thông