Nghề phụ cho phụ nữ Pú Trạng

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/5/2018 | 8:20:27 AM

YBĐT - Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật đan cói, lục bình cho 10 nạn nhân bị bạo lực gia đình, có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân bị mua bán trở về ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. 

Lớp học nghề đan cói của phụ nữ bản Ten, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ.
Lớp học nghề đan cói của phụ nữ bản Ten, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ.


Là phường thuần nông, quỹ đất sản xuất hạn chế nên cuộc sống của chị em Pú Trạng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, thời gian trước, một bộ phận chị em trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa ở các địa phương khác. Số còn lại, ngoài thời vụ trồng lúa, chị em còn sức khỏe đi làm một số nghề phụ như: phụ xây, khuân vác, chạy chợ, chăn nuôi nhỏ lẻ… thu nhập rất thấp, không bảo đảm cuộc sống gia đình; số chị em trẻ mới lập gia đình phải ở nhà chăm sóc con cái và phụ nữ từ 50 tuổi trở lên sức khỏe yếu không thể làm các công việc nặng chưa có nghề phụ phù hợp để làm thêm lúc nông nhàn. Bởi vậy, từ khi nghề đan cói được đưa về như mở ra thêm một hướng đi mới, giúp chị em vơi bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống. 

Chị Đồng Thị Hiền ở bản Noọng, phường Pú Trạng vừa nấu cơm vừa tranh thủ đan thêm chiếc giỏ cói để kịp giao hàng trả xưởng. Vừa nhanh tay luồn cói tạo ra những mối đan đều tăm tắp, chị Hiền vừa tâm sự: "Trước đây, gia đình tôi chỉ quanh quẩn trồng cấy, hết vụ thì đi làm thuê làm mướn nên cuộc sống bấp bênh, đôi lúc còn chẳng đủ ăn. Từ khi tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật đan cói, thấy công việc này không quá vất vả, ngoài thời gian đồng áng, lúc xem ti vi, nấu ăn cũng có thể tranh thủ đan thêm cái bình, cái giỏ. Hơn nữa là lúc nào cũng có việc, không phụ thuộc thời tiết mưa nắng. Kiên trì với nghề, giờ trung bình một ngày tôi thu nhập thêm từ 60-70 nghìn đồng, tiết kiệm cũng có thêm một khoản để trang trải sinh hoạt gia đình và cho con cái đi học được đầy đủ”.

Thực tế cho thấy, nghề đan cói không chỉ phù hợp với điều kiện sức khỏe của chị em phụ nữ mà từ trẻ nhỏ đến các cụ cao tuổi đều có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, mọi lúc mọi nơi để đan. Sản phẩm lại không phải lo đầu ra do có doanh nghiệp Thương Hoa chịu trách nhiệm cung ứng nguyên liệu và thu mua sản phẩm. 

Bởi vậy, nghề đan cói trở thành nghề phụ thích hợp với nhu cầu học nghề ngày càng tăng cao của người dân địa phương. Chính vì thế, Hội Phụ nữ phường phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp dạy nghề đan cói, lục bình cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Được biết, tất cả nguyên liệu học nghề do doanh nghiệp tư nhân Thương Hoa cung cấp và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, tạo đầu ra ổn định và lâu dài cho người dân. Tuy nhiên, thành phẩm đặt ra yêu cầu khá khắt khe, đó là: đúng kích cỡ yêu cầu, tròn, đều, đẹp, chắc tay, chỉ cần một mấu cói thừa ra trên sản phẩm cũng sẽ phải làm lại. 

Chị Lường Thị Luân - Tổ trưởng Tổ mây - tre - song đan cho biết: "Lớp học của chúng tôi có 30 học viên ở đủ mọi lứa tuổi. Sau khi tham gia tập huấn, được hướng dẫn tận tình các kỹ thuật đan cói, chỉ vài ngày sau, chúng tôi đã có thể làm được sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện giờ, mọi học viên đã khá thành thạo với các công đoạn, kể cả khâu khó nhất là "bắt” cái đế sao cho thật tròn. Nhìn chung, công việc này không khó, không vất vả nhưng cần kiên trì, tỉ mỉ”. 

Thu nhập từ nghề mới này tuy không phải lớn nhưng khá ổn định đã và đang giúp các chị em phụ nữ ở Pú Trạng vươn lên cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, Hội phụ nữ phường sẽ tiếp tục mở thêm các lớp học đan cói, lục bình, đáp ứng nguyện vọng của chị em phụ nữ, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Hoài Anh