Yên Bái: Lợn hơi tăng giá, người nuôi vẫn dè dặt

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/5/2018 | 7:41:37 AM

YênBái - YBĐT - Gần 1 tháng nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái có dấu hiệu tăng trở lại, hiện đang ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, người chăn nuôi vẫn dè dặt với việc tái đàn.

Gia đình ông Trần Văn Minh duy trì trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 20 con lợn thịt.
Gia đình ông Trần Văn Minh duy trì trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 20 con lợn thịt.


Gia đình ông Trần Văn Minh ở thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái trước đây là một trong số những hộ chăn nuôi lớn trong xã với 15 lợn nái và gần 100 lợn thịt nhưng thời điểm hiện nay trong chuồng chỉ còn 5 lợn nái và trên 20 lợn thịt, một số ô chuồng của gia đình để trống nhiều tháng nay.
 
Ông Trần Văn Minh ngán ngẩm: "Gia đình tôi đầu tư nuôi lợn đã vài chục năm nhưng chưa có khi nào giá lợn hơi lại thấp thê thảm như thời gian qua. Riêng năm 2017, gia đình lỗ gần 100 triệu đồng. Đấy là tự sản xuất được con giống chứ không thì đã phá sản. Hơn tháng nay, giá lợn hơi đã tăng đôi chút nhưng tính ra cũng chỉ hòa vốn do giá thức ăn cũng tăng cao. Do đó, gia đình chưa dám tái đàn, còn phải tính toán, nghe ngóng đã vì mình không có đầu ra ổn định”.
 
Những năm trước đây, Giới Phiên là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn khá phát triển nhưng 2 năm gần đây, những hộ trước nuôi nhiều thì nay chỉ nuôi cầm chừng, còn hộ nuôi ít thì gần như đã bỏ chuồng.
 
Ông Bùi Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Giới Phiên cho biết: "Do giá lợn hơi bấp bênh, đầu ra không ổn định nên người chăn nuôi cũng nản. Nếu như năm 2017 trên địa bàn xã có 5 hộ đăng ký dự án chăn nuôi lợn thì năm nay có 1 hộ đăng ký mô hình nuôi lợn kết hợp (31 con lợn thịt và 5 con lợn nái). Hiện nay, đàn lợn trên địa bàn xã chỉ còn gần 900 con”.

5 năm trước, xã Văn Phú cũng là một trong những xã có phong trào chăn nuôi lợn phát triển nhất, nhì thành phố Yên Bái với đàn lợn gần 3.000 con nhưng hiện nay đàn lợn của xã cũng đã giảm hơn nửa. Chúng tôi đến thăm những hộ chăn nuôi lớn, có qui mô, chuồng trại kiên cố, trước đây thường xuyên trong chuồng lúc nào cũng có trên, dưới trăm con lợn thịt nhưng nay chỉ còn cầm chừng hai, ba chục con, có hộ không nuôi lợn thịt nữa mà chỉ để lại vài con nái.
 
Như hộ gia đình ông Trần Văn Nguyên ở thôn 1 trước nuôi trên 100 con lợn thịt, hiện nay chỉ còn 4 con nái; gia đình ông Nguyễn Kim Hội ở thôn 1 trước nuôi trên 100 con lợn thịt nay chỉ còn 2 nái; gia đình bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn 2, ông Nguyễn Huy Tâm ở thôn 3 trước nuôi trên 100 con lợn thịt nhưng nay duy trì 20 - 40 con.
 
Bà Trần Thị Nhường ở thôn 3 cho biết: "Hiện, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trong xã đều đang trong cảnh "treo” chuồng, không ai dám đầu tư nuôi nữa. Mặc dù thời gian này giá lợn hơi có tăng nhưng cũng không biết thế nào, giờ mình mà đầu tư đến lúc được bán giá lại xuống thì lại thua lỗ do gia đình còn phải mua con giống nên tôi chưa dám tái đàn”. 

Không chỉ gia đình ông Minh, bà Nhường mà hầu hết những người đã từng nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng có tâm lý lo lắng tương tự. Nhiều người chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân giá lợn tăng trở lại là do thời điểm cuối năm 2017 nhiều hộ gia đình nuôi đã bán tháo đàn, bán luôn lợn nái với giá rẻ. 

Thời điểm này, giá lợn hơi hồi phục là do người chăn nuôi hầu hết "treo” chuồng, nguồn cung giảm nên giá tăng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, giá con giống cũng lên cao nên giờ giá lợn hơi tăng lên cũng đành chịu, người nuôi không dám tái đàn vì đầu tư ban đầu quá cao, trong khi đó giá cả thị trường lại không ổn định.
 
Người chăn nuôi nhiều năm nay vẫn rơi vào cái vòng luẩn quẩn tăng đàn - rớt giá, giảm đàn - giá tăng mà không tìm được lối ra. Hầu hết người chăn nuôi đã quá quen với sự phập phù này và chấp nhận "sống chung với lũ".
 
Thế nhưng, cơn lũ rớt giá thời gian qua đã cuốn phăng chuồng trại, tiền bạc và khả năng tái đàn của những hộ chăn nuôi lớn. Nhiều hộ hiện nay "sổ đỏ” vẫn trong ngân hàng, hàng tháng vẫn phải trả lãi nên không còn khả năng mua con giống, thức ăn chăn nuôi. 

Thêm vào đó, người chăn nuôi không đủ cơ sở, thông tin để đánh giá diễn biến giá cả và cũng không được cơ quan chức năng tư vấn, định hướng về đầu ra của thị trường nên họ không dám mạo hiểm.

Giá lợn hơi tăng là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, để chăn nuôi lợn phát triển bền vững rất cần sự liên kết "bốn nhà”; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất; cần có chính sách thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Người chăn nuôi phải chủ động thực hiện các biện pháp giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, không thể chạy theo giá cả thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, phát triển chăn nuôi với quy mô phù hợp với quy hoạch địa phương.

Hồng Duyên