Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/5/2018 | 7:47:19 AM

YBĐT - Thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đến nay, đã ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giảm 8 đầu mối (2 phòng thuộc Sở; 1 chi cục; 2 đơn vị sự nghiệp; 3 ban quản lý dự án) còn 17/25 đầu mối so với trước. Hiện, ngành đang tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bên trong các đơn vị thuộc Sở.

 

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển lúa xuân tại xã Bạch Hà.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển lúa xuân tại xã Bạch Hà.


Với quan điểm sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy để bảo đảm tinh gọn, giảm bớt đầu mối; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy; xác định vị trí việc làm, số biên chế phù hợp với từng phòng, ban, đơn vị theo quy định trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT); đồng thời, có kế hoạch bố trí, sử dụng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để thực hiện "Tái cơ cấu ngành NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới”, ngành đã triển khai thực hiện khá hiệu quả, phù hợp, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái... những năm qua, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và của tỉnh về sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế trong toàn ngành. 

Nhờ vậy, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay, đã thực hiện giảm 8 đầu mối (2 phòng thuộc Sở; 1 chi cục; 2 đơn vị sự nghiệp; 3 ban quản lý dự án) còn 17/25 đầu mối so với trước.
 
Hiện, ngành đang tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bên trong các đơn vị thuộc Sở theo hướng tinh gọn, xây dựng phương án tự chủ về tài chính đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm giảm gánh nặng chi phí ngân sách cho Nhà nước. 

Cụ thể là xây dựng các phương án, đề án trình tỉnh về kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị nghiệp; kiện toàn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT theo hướng tinh gọn, thực hiện tự chủ 100% chi phí hoạt động thường xuyên.

Xây dựng phương án sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo quy định nhằm giảm đầu mối, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý rừng; xây dựng phương án tự chủ về đầu tư và chi thường xuyên đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện từ năm 2018; phương án tự chủ về kinh phí hoạt động đối với các trại giống thuộc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi thực hiện từ năm 2018.
 
Rà soát, xắp xếp lại tổ chức bên trong các đơn vị theo hướng tinh gọn; qua rà soát, dự kiến giảm 10 đầu mối các phòng và tương đương trong các đơn vị trực thuộc (giảm 2 phòng tại các đơn vị: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông; giảm 1 phòng tại các đơn vị: Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi).
 
Nếu tính cả các trạm chuyển về huyện, thì số lượng đầu mối giảm 29/76 đầu mối hiện có, tương đương giảm 38,2% số lượng đầu mối, còn lại 37 đầu mối. Các phương án sẽ được thực hiện và hoàn thành trong năm 2018. 

Ngành cũng đã tiến hành rà soát, bố trí, sắp xếp lại vị trí việc làm bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả: bố trí sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức tại các đơn vị từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, bảo đảm bố trí theo vị trí việc làm, phát huy được tinh thần trách nhiệm trong công việc, năng lực của CBCCVC. Ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chính sách tinh giản biên chế.
 
Thực hiện tinh giản biên chế đối với những CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định, những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp lại tổ chức theo đúng trình tự, quy định, bảo đảm quyền lợi, chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản.
 
Tính từ năm 2015 đến nay, toàn ngành đã tinh giảm 131 biên chế (từ 850 xuống còn 719). Trong đó: biên chế công chức giảm 44 biên chế, giảm 9% (từ 489 xuống còn 445); biên chế viên chức giảm 87 biên chế, giảm 26,5% (từ 328 xuống còn 241). Khi triển khai Đề án chuyển các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, trạm kiểm ngư về cấp huyện quản lý, số lượng viên chức của ngành tiếp tục giảm thêm 103 biên chế.
 
Đến năm 2021, bảo đảm tinh giản biên chế theo kế hoạch (giảm tối thiểu 12% biên chế công chức và 13% biên chế viên chức) theo quy định. Tiếp tục rà soát và xây dựng phương án xử lý dứt điểm việc hợp đồng không đúng quy định, hiện nay ngành đã tổng hợp báo cáo và chờ xin ý của tỉnh để giải quyết dứt điểm.
 
Song song với đó, ngành đã xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để giảm số lượng cấp phó theo quy định; cơ bản khắc phục được trong năm 2018, hoàn thành trong năm 2019.

Thời gian tới, ngành NN&PTNT xác định việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, thực hiện theo lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành được giao.

Ngọc Trúc