Tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2018 | 9:38:06 AM

YBĐT - Năm 2017 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 đợt thiên tai, 4 đợt bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Đặc biệt, hai đợt thiên tai xảy ra trong tháng 8 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10 tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh đã gây thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng của Nhà nước.

Cụ thể, đã có 37 người chết, 16 người mất tích, 33 người bị thương; 3.649 ngôi nhà bị thiệt hại; 2.346,7 ha lúa, 1.313 ha rau màu bị hư hỏng; làm chết 1.509 con gia súc, 25.037 con gia cầm; 1.886 ha rừng; 417 công trình thủy lợi, 15.391m kè, 6 công trình cấp nước, 97 công trình giao thông trên quốc lộ 32, quốc lộ 37, đường tỉnh và huyện bị hư hỏng, sạt lở. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 1.900 tỷ đồng.

Năm 2018, tiếp tục được dự báo là năm thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, bất thường theo chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông, suối khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức báo động 2, báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc bộ.
 
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai, ngành Khí tượng Thủy văn đã dự báo năm nay sẽ có khoảng 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có từ 5-6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
 
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, song song với việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, sát thực tế, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm "bốn tại chỗ", "ba sẵn sàng".
 
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng các công trình giao thông, kè, cống, thủy điện, hồ chứa, đập tràn..., phát hiện sớm các sự cố hư hỏng tại các công trình trọng điểm, công trình công cộng, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh tới cơ sở cần tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo kịp thời, ứng phó hiệu quả công tác PCTT&TKCN trên địa bàn. Trong đó, việc đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu.
 
Cần rà soát  những địa bàn, những khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và chủ động di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân biết tự chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết xấu bằng cách tự gia cố lại nhà cửa trước mùa mưa bão.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai, các địa phương, đơn vị và nhân dân đều phải nâng cao cảnh giác, tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt với các hiện tượng thời tiết bất thường.         
                                                          
Thanh Hương