Thi đua yêu nước theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/6/2018 | 7:57:53 AM

YBĐT - Nội dung thi đua đều hướng vào các mục tiêu chủ yếu, những việc làm cần thiết ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân như: "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Dạy tốt, học tốt”, "Thực hiện 12 điều y đức”, "Thi đua quyết thắng”.... 


Mùa xuân năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, đất nước đang rất khó khăn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Với tầm vóc của nhà chính trị lớn, Người đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế; thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn.
 
Nội dung thi đua phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. 

Đối tượng thi đua là tất cả người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận quân sự, chính trị, văn hóa. Về tổ chức thi đua, Người nêu cụ thể, dựa vào "lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại "hạnh phúc cho dân”.
 
Người chỉ rõ: "Thi đua chứ không phải ganh đua”, nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
 
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước như ủng hộ "Quỹ Độc lập”, "Tuần lễ vàng”, "Diệt giặc đói, giặc dốt”, "Hũ gạo kháng chiến”,  "Nhường cơm sẻ áo”, "Tấc đất tấc vàng”, "Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, "Tay búa, tay súng”... trong tỉnh đã góp phần làm lên những chiến công vang dội, giành độc lập, thống nhất toàn vẹn đất nước ta.
 
Bước vào thời kỳ mới, nhất là giai đoạn thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, phong trào thi đua, công tác thi đua - khen thưởng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh.
 
Nội dung thi đua đều hướng vào các mục tiêu chủ yếu, những việc làm cần thiết ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân như: "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Dạy tốt, học tốt”, "Thực hiện 12 điều y đức”, "Thi đua quyết thắng”, "Vì an ninh Tổ quốc”, "Dân vận khéo”; "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh”, "Xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh"...
 
Công tác khen thưởng tiếp tục có nhiều đổi mới. Hình thức khen thưởng đa dạng, bao quát các lĩnh vực trong xã hội, tập trung nhiều vào cấp cơ sở… có tác dụng kịp thời động viên các tập thể, cá nhân tham gia; làm nền tảng và là căn cứ để xét khen thưởng những hình thức cao hơn của Chính phủ, Nhà nước.

Thi đua yêu nước để xây dựng nước nhà to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, 70 năm đã qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái nguyện ra sức thi đua, phấn đấu, đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới, góp phần xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển như lời căn dặn của Người cách đây 60 năm về trước.

Đình Tứ