Rà soát các thủ tục hành chính về đất đai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2018 | 3:22:44 PM

YBĐT - Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 3/2018 xếp Yên Bái thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2016 và 5 bậc so với năm 2015). 

Năm 2017, Yên Bái có 3 chỉ số tăng điểm, trong đó có chỉ số tiếp cận đất đai - một trong 10 chỉ số thành phần quan trọng của PCI.

 
Nhìn lại số liệu PCI đã công bố trong 3 năm gần nhất cho thấy: chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh chỉ ở mức trung bình và xếp thứ hạng thấp so với toàn quốc. Năm 2017, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 5,36 điểm so với năm 2015 giảm 0,40 điểm, xếp thứ 58/63 tỉnh thành, so với năm 2015 giảm 24 bậc.
 
Nút thắt được chỉ rõ là những bất cập ít được cải thiện của hệ thống các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai và những lo ngại về rủi ro, thiệt hại gặp phải khi doanh nghiệp bị thu hồi đất. Tỷ lệ doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 52% (năm 2016 là gần 62%).
 
Doanh nghiệp đánh giá: việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa thật sự thuận lợi. Trung bình, 15 ngày chờ đợi mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có 23% số doanh nghiệp đánh giá khâu giải phóng mặt bằng còn chậm, 35% nhận định nếu bị thu hồi đất sẽ được bồi thường thỏa đáng.

Tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do TTHC rườm rà hay lo ngại cán bộ nhũng nhiễu là 31% (năm 2016 là 26,83%); doanh nghiệp nhận định không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh (năm 2016 là 29,58% và năm 2017 là 30%); doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất là 1,55 điểm (1 là rất cao đến 5 là rất thấp).
 
Có 24% doanh nghiệp đánh giá thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục (năm 2016 là 41,67%). Có 67% doanh nghiệp nhận định sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường.

Từ những phân tích trên, yêu cầu của tỉnh đặt ra là rà soát các TTHC trong lĩnh vực đất đai. Từ đó, điều chỉnh quy trình theo hướng giảm bớt công đoạn trùng lặp, không cần thiết. Cần tổ chức lại cách thức xử lý "một cửa”, giao một đơn vị hành chính công có trách nhiệm thực hiện.
 
Đưa tiêu chí "Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh” thành tiêu chí bắt buộc khi thẩm định năng lực của chủ đầu tư, tránh tình trạng lập doanh nghiệp mới để xin thuê đất, sau đó chuyển nhượng, sáp nhập doanh nghiệp để kiếm lời. Kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định của Luật Đất đai nhằm loại trừ những trường hợp đầu cơ đất đai hoặc thiếu năng lực, vừa tạo cơ hội cho những chủ đầu tư có năng lực khác lại vừa tạo "đòn bẩy” cho các chủ đầu tư khác thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Cuối cùng là cần ưu tiên nguồn lực để tạo quỹ đất sạch nhằm thực hiện quy hoạch của Nhà nước, tránh tình trạng doanh nghiệp "làm quy hoạch”.  
 
Quang Thiều