Thành phố Yên Bái: Đã thoát khỏi ngập úng mùa mưa?

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2018 | 11:27:39 AM

YênBái - YBĐT - Đã có những chuyển biến tích cực để khơi thông dòng chảy; đã có sự đầu tư cho hệ thống thoát nước thành phố Yên Bái, nhưng câu chuyện chống ngập úng ở thành phố vẫn còn đặt ra với các cấp, ngành và người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

Các lực lượng tham gia khơi thông dòng chảy.
Các lực lượng tham gia khơi thông dòng chảy.

Không còn vừa mưa ... đã ngập

Đã qua một vài trận mưa đầu mùa, thành phố Yên Bái chưa xuất hiện tình trạng ngập úng cục bộ. Đã bớt đi cái cảnh người dân phải lo lắng khi lưu thông qua một số đoạn đường trong phố sau mỗi trận mưa lớn. Các điểm ngập úng tồn tại nhiều năm ở khu vực Km 2, khu vực đầu đường Kim Đồng, rồi ở ngã ba Khe Sến hay điểm ngập cục bộ ở tổ 42 (cổng Công ty Khoáng sản cũ)... đã cơ bản được khắc phục.
 
Đường Yên Ninh đoạn qua cổng Sở Giáo dục và Đào tạo, đường Đinh Tiên Hoàng đoạn qua tổ 45, phường Yên Thịnh chưa tái diễn tình trạng ngập úng như những năm trước có thể do "nước trời” đổ xuống chưa nhiều vì mới chớm mùa mưa. Nước sông Hồng cũng chưa lớn đến mức dâng vào đường Thanh Niên ở phường Hồng Hà nên hệ thống tiêu thoát khá nhanh.
 
Đó là tín hiệu đáng mừng, bởi sau những cố gắng của thành phố Yên Bái khi dành ra khoản ngân sách xử lý cấp bách những cống thoát nước ngang đường ở tổ 44, phường Yên Ninh, tổ 40, phường Minh Tân, cống tổ 42, phường Minh Tân, tổ 32C, phường Đồng Tâm đã làm tình trạng ngập cục bộ có vẻ như đã giảm.
 
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái tỏ ra lạc quan cho biết: trong nội thành đã cơ bản giải quyết được ngập úng. Điều đáng lo là lũ lớn sông Hồng, nước dâng ngập khu vực trũng thấp ở phường Hồng Hà, nhất là với đường Thanh Niên -  nếu không thực hiện giải pháp nâng cao nền đường sẽ khó tránh được ngập úng.

Được biết, cùng với xử lý cấp bách những điểm ngập úng, mấy năm nay, thành phố đã tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, vốn vay Ngân hàng Thế giới để tôn tạo một số hồ nước. Những hồ Hào Gia, hồ trước Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (hồ Thủy Sản), hồ Cung Thiếu nhi, hồ Hòa Bình, hồ Thanh niên và tới đây có thể có thêm hồ Đình Gặt ở phường Yên Thịnh, vừa sẽ tạo cảnh quan riêng có của thành phố vừa tăng khả năng chứa nước mỗi khi mưa lớn, cắt lũ xuống các vùng trũng thấp. Các con suối: Hào Gia, Khe Dài cũng được kè bờ, nạo vét dòng chảy. Ý thức của người dân thành phố trong giữ gìn, bảo vệ các dòng chảy đã có tiến bộ hơn trước.        
                                                                          
Thực trạng thoát nước
 
Là một đô thị vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, xây dựng trên cơ sở mở rộng địa bàn với những phương án xẻ đồi, lấp chỗ trũng thực hiện từ hàng chục năm qua. Nguồn ngân sách đủ lớn cho việc quy hoạch căn cơ, tầm nhìn lâu dài với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là không thể, nhất là đối với giai đoạn trước đây. Hiện nay, theo các con đường, thành phố Yên Bái quản lý 71 tuyến cống dọc đường với tổng chiều dài trên 129 km. Đa số các tuyến cống này được xây bằng đá hộc, bề mặt cống rộng 1,2 mét; không ít tuyến cống vẫn là rãnh đất.
 
Cùng đó, trên các tuyến có 29 cống thoát ngang đường. Theo UBND thành phố Yên Bái, năm 2016, tất cả hệ thống cống có tuổi thọ hữu ích là 20 năm, nhưng đã có hàng chục tuyến khai thác quá tuổi thọ như: tuyến cống Trần Bình Trọng quá 16 năm; tuyến Nguyễn Khắc Nhu quá 3 năm; tuyến Thành Công quá 5 năm; tuyến Nguyễn Phúc quá tuổi thọ 6 năm...
 
Qua đánh giá, UBND thành phố cho rằng, tất cả các tuyến cống đều "cần nâng cấp”. Như vậy, nếu không nâng cấp thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của hệ thống. Chỗ cao, chỗ thấp không đồng bộ, các tuyến cống thì đều xuống cấp; kinh phí để thực hiện nạo vét, duy tu bảo dưỡng hàng năm hạn hẹp nên chất lượng thoát nước kém cũng như là tất nhiên.
 
Ông Phạm Công Hưởng - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái cho biết: "Hàng năm, chúng tôi cũng dự trù nhưng nguồn kinh phí thành phố khó khăn và như năm 2018 này được khoảng 1,3 tỷ. Vậy mà, phải duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông ở 17 xã, phường, chưa kể mấy năm nay nước sông Hồng cứ vào đường Thanh Niên là lại phải dọn phù sa”.
 
...Và các dòng chảy
 
 
Miệng cống qua đường Lê Văn Tám, khu vực tổ 7, phường Đồng Tâm.
 
Mấy năm nay, đường phố được đầu tư khang trang, ý thức của người dân thành phố trong việc xả rác xuống các dòng suối đã có những chuyển biến. Song, nhận thức và hành động của người dân đô thị ở nhiều chỗ, nhiều nơi cũng có mức độ khác nhau.
 
Tham gia phát bờ, dọn cỏ, vớt rác theo ngòi suối trong lòng thành phố mới thấy "thương” cho những dòng chảy. Con suối từ huyện Yên Bình chảy ra phường Yên Thịnh qua các tổ 41A, hợp với dòng suối từ khe Trám rồi qua các tổ 29, tổ 23, 26... nên nó vẫn phải nặng nề mang theo không ít rác thải. Có những túi chứa phế thải xây dựng được đổ xuống là dòng chảy bị ngoằn ngoèo. Người ta còn moi lên cả cái thành giường, cái bàn thờ cũ dưới lòng suối. Nhiều nhất là các chai lọ, túi nilon đựng phế thải - những thứ đang ngày tháng nút dần miệng cống.
 
Cùng đó, là sự bồi đắp trong quá trình đô thị hóa đã làm các dòng chảy nông dần. Hầu hết các cống lớn qua đường trở nên nhỏ hẹp. Anh Phạm Văn Hùng ở tổ 26, phường Yên Thịnh cho hay: "Ngày xưa cái cống "vật tư" này có thể đi khom qua được, nay đã bị lấp tới 2/3 rồi. Mỗi khi mưa lớn, chai lọ, rác thải các loại nhồi vào đây thì sao nước chảy được”.
 
Cùng chung tình cảnh này, bà Đỗ Thị Hồng - Tổ trưởng tổ 7, phường Đồng Tâm không khỏi bức xúc khi giới thiệu cái miệng cống qua đường Lê Văn Tám đã bị bồi lấp hơn nửa: "Cứ mưa là rác ở phía trên cứ ùn ứ. Nước không thể chảy được, mất cảnh quan đô thị lắm. Còn phía dưới này nữa, cái cống to ở đường 379, người đi bộ qua được mà giờ lấp hết. Mưa to kéo dài là nước dâng cả lên đường, ngập vào nhà dân chúng tôi. Nói thật là, việc này dân chúng tôi không làm được".

Các cống dọc, cống ngang tắc nghẽn đã đành, tình trạng dòng chảy bị cản trở lại vẫn còn xảy ra ở một số điểm thực hiện dự án kè suối. Đơn vị thi công để mặc những cọc ngăn dòng phục vụ thi công dù kè đã xây xong. Có công trình, người ta đổ đất sát miệng cống tạo mặt bằng công vụ, thi công xong cũng không trả lại hiện trạng, ảnh hưởng đến dòng chảy.
 
"Chúng tôi có trao đổi với Ban Quản lý dự án thành phố yêu cầu đơn vị thi công bốc dỡ, khai thông dòng chảy, nhưng chưa thấy có động thái gì” - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Nguyễn Công Hưởng chia sẻ.

Lời kết

Đã có nhiều cố gắng để thành phố Yên Bái có một kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, hướng tới đô thị loại II trước năm 2020. Trong những cố gắng đó, vấn đề thoát nước phải hết sức quan tâm, bởi đó là cảnh quan thành phố, là yếu tố quan trọng để có môi trường sống trong lành. Và trước mắt, thành phố Yên Bái phải tránh được cảnh ngập úng mỗi khi mùa mưa đến.

 Quang Tuấn