Nghĩa Lộ: Những người hồi sinh thổ cẩm

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/7/2018 | 8:06:32 AM

YBĐT - Đã có thời kỳ nghề dệt thổ cẩm bị mai một, nhưng bằng tình yêu, nhiệt huyết của nhiều chủ nhân văn hóa thổ cẩm đã làm cho nét đặc trưng giàu truyền thống ấy hồi sinh.

Sản phẩm của nghề thổ cẩm ở Nghĩa Lộ.
Sản phẩm của nghề thổ cẩm ở Nghĩa Lộ.


Người mà tôi gặp đầu tiên đó là chị Lù Thị Pầng - chủ cơ sở trưng bày và bán các sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở chợ Mường Lò. Cửa hàng kinh doanh của chị rất dễ nhận bởi hàng hóa trưng bày là những sản phẩm được làm từ những tấm vải thổ cẩm do đôi bàn tay tài hoa các cô gái Thái ở Mường Lò dệt thành.
 
Chị Pầng hàng ngày vẫn đi khắp các bản làng ở Mường Lò đến gặp những nghệ nhân, người già có kinh nghiệm về thổ cẩm để tìm hiểu về những nét hoa văn cổ đậm đà bản sắc dân tộc mình. Với chị, mỗi người khách khi đến cửa hàng dù chỉ để xem thôi cũng được tận tình giới thiệu, hướng dẫn.
 
Đặc biệt và rất riêng, với cách bố cục, nghệ thuật trang trí cửa hàng mang đặc trưng của người Thái ở Tây Bắc giúp khách hàng khi đến tham quan, mua sắm có thể nhận biết trên ba mươi loại hoa văn, họa tiết thể hiện sống động trên thổ cẩm và còn nhận biết được cách sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím vàng hay cách phối màu họa tiết đối xứng nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp, trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ khi được lấy làm ý tưởng hoa văn trên những tấm vải thổ cẩm.
 
Với chị Pầng, "lãi” nhất chính là khách hàng hiểu biết thêm về văn hóa thổ cẩm nói riêng và văn hóa dân tộc Thái ở Mường Lò nói chung. Khi nền kinh tế thị trường phát triển kéo theo những hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng; do đó, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của gia đình mà đã trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng bởi sự bền, đẹp.
 
Theo đó, năm 2003, chị Pầng đã mở cơ sở sản xuất dệt thổ cẩm và càng làm càng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc cải tiến hoa văn trên vải thổ cẩm, chất liệu màu và mẫu mã nên các mặt hàng rất được ưa chuộng trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm làm ra của chị Pầng để bày bán chủ yếu là khăn, chăn, gối, đệm và đã có mặt ở nhiều thị trường trong tỉnh, trong khu vực Tây Bắc.
 
Chị Pầng Tâm sự: "Sau hơn 10 năm kinh doanh thổ cẩm, tôi nhận thấy, đẩy mạnh phát triển nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ truyền của người Thái. Vì vậy, tôi cũng như nhiều nghệ nhân khác đang kiên trì tiếp lửa nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ với mong muốn lớp trẻ phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Qua tuyên truyền, vận động, hiện giờ nhiều em đã tích cực học dệt, thêu để nối dài hơn sức sống của nghề dệt truyền thống mang nét đặc trưng riêng của người Thái”.

Để khẳng định, những người con dân tộc Thái ở Mường Lò đã và đang hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị Pầng cùng chúng tôi đến nhà bà Chu Thị Mặc ở thôn Bản Đêu 2, xã Nghĩa An. 

Bà Mặc khá bận rộn, miệt mài bên khung dệt để phục vụ du khách khi đến thăm quan, mua sắm trong Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò năm 2018 tới đây.
 
Qua câu chuyện của bà Mặc, chúng tôi được biết, từ lúc còn nhỏ bà đã học các bà, các mẹ cách dệt thổ cẩm. Giờ đây, khi đã ngoài 60 tuổi nhưng từng thao tác se chỉ, cài sợi trên khung dệt được bà thực hiện rất thuần thục, bắt mắt. 

Dù cuộc sống hiện đại, váy áo bày bán sẵn thay thế các sản phẩm truyền thống ngày càng nhiều, nhưng thói quen dệt vải vẫn được bà Mặc lưu giữ để vừa làm kinh tế vừa giáo dục con cháu về nét văn hóa truyền thống của người Thái ở Mường Lò.
 
Bà Mặc cho biết, để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Thái phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mỉ. Trước đây, họ thường nhuộm vải theo cách truyền thống bằng màu của các loại cây rừng. Vì thế, người con gái Thái phải mất nhiều thời gian và công sức. 

Hiện nay, đa phần họ chọn mua sợi tổng hợp đã qua xử lý của công nghiệp dệt được bày bán ở chợ về sử dụng. Gam màu chủ đạo của thổ cẩm vẫn là những màu tươi sáng như màu xanh, hồng, đỏ...
 
Được xem những bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Thái dệt vải, chúng tôi mới cảm nhận được nét hoa văn, họa tiết trên những tấm vải thổ cẩm được bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động tạo nên một bức tranh sống động phản ánh đời sống, sinh hoạt hàng ngày, được hình thành bằng trí nhớ và tưởng tượng của người dệt. 

Trên những tấm thổ cẩm ấy, có sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hoa văn chủ đạo là hình quả trám, bông hoa và sau này người dân sáng tạo thêu thêm chữ trên các tấm thổ cẩm.

Là chủ hộ kinh doanh dệt thổ cẩm khá nổi tiếng ở khu vực chợ Mường Lò, song mấy ai biết để có được cơ ngơi hiện nay, chị Hà Thị Duyên đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả trên thương trường mà chỉ có tình yêu, niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình mới giúp chị thành công.
 
Sau nhiều năm lao động nặng nhọc, với số vốn tích cóp được và sự giúp đỡ của gia đình, hàng xóm, chị Duyên đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy móc, nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm, dệt may gia công trang phục của người Thái, Tày, Mông, Dao… và các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm, khăn.
 
Đến nay, cơ sở sản xuất, kinh doanh của chị Duyên đã cung cấp nguồn hàng cho hơn chục hộ kinh doanh tại chợ Mường Lò và nhiều hộ kinh doanh ở các khu vực lân cận với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình chị còn mở trung tâm thể dục thể hình thu hút đông đảo thanh niên tham gia luyện tập.

Cũng là người dân tộc Thái, anh Cầm Ngọc Minh ở thôn Bản Lè 2, phường Trung Tâm đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và nhu cầu về sản phẩm thổ cẩm của quê hương mình. Trong nghi lễ tang ma, người Thái thường dùng nhiều vải thổ cẩm và trong cưới hỏi cũng phải sắm sửa một lượng lớn chăn, ga, gối, đệm thổ cẩm. 

Vậy là, anh Minh mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy bật bông để sản xuất chăn, ga, gối đệm thổ cẩm. Ban đầu, do nguồn vốn hạn chế nên anh chỉ sản xuất quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Sản phẩm chủ yếu được giao bán cho những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Mường Lò.
 
Dần dần, sản phẩm của anh được nhiều người biết đến nhờ chất lượng bền, mẫu mã hợp thị hiếu, giá cả lại phù hợp nên khi sản phẩm của mình bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, anh Minh bàn với gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của anh không chỉ bán ở thị xã Nghĩa Lộ mà còn bán ở các huyện trong khu vực và các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...

Bà Mặc, chị Pầng, chị Duyên hay anh Minh chỉ là bốn trong số hơn nghìn người dân tộc Thái ở Mường Lò sản xuất các sản phẩm vải thổ cẩm. Trung bình mỗi năm khu vực này sản xuất trên trăm nghìn sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, mũ, thắt lưng, khăn, vỏ chăn, ga, gối, đệm ngồi… và vải dệt làm trang phục của các dân tộc như: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Tày trên địa bàn.
 
Điều phấn khởi với những hộ kinh doanh nghề dệt thổ cẩm ở Mường Lò đó là, tỉnh đã tổ chức 11 khóa học theo Đề án 1956 của Chính phủ cho hàng trăm học viên là lao động nông thôn dân tộc thiểu số của thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn về kỹ thuật, kiến thức cơ bản của nghề thêu dệt thổ cẩm; cách thêu một số loại hoa văn phức tạp như hoa chanh, thêu đường diềm, hoa văn hình cua, hoa ngọc mạ...; cách nhận biết các loại mẫu mã sản phẩm của các dân tộc; triển khai hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất thổ cẩm phát triển quy mô sản xuất và giới thiệu ra thị trường các tỉnh miền xuôi...

Đây là cơ hội để Mường Lò trong tương lai ngày càng có nhiều gia đình dân tộc Thái giàu lên từ sản xuất, kinh doanh thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm sẽ được hồi sinh mạnh mẽ vừa để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người Thái vừa trở thành tiềm năng kinh tế thời hội nhập.

Ngọc Sơn