Giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/7/2018 | 10:45:37 AM

YBĐT - Phương pháp kỷ luật bằng đòn roi và các hình thức trừng phạt như chửi mắng được nhiều người sử dụng để giáo dục trẻ.

Tọa đàm, trao đổi về những giải pháp chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Tọa đàm, trao đổi về những giải pháp chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Em T.T.H, 10 tuổi, ở huyện Lục Yên chia sẻ: "Trong gia đình em, bố rất nóng tính. Có lần, em đi sinh nhật bạn về muộn 30 phút giờ bố quy định. Vừa về đến nhà, bố tức giận tát em và từ đó cấm em không đi sinh nhật bạn nữa. Những trận đòn roi của bố làm em sợ, không muốn nói chuyện với bố”.
 
Những trường hợp như H. bị giáo dục bằng đòn roi đang diễn ra trong nhiều gia đình. Phương pháp kỷ luật bằng đòn roi đối với trẻ được nhiều người cho rằng, trẻ sẽ ngoan hơn, nghe lời hơn.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầu hết các trận đòn roi đều không mang lại hiệu quả trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt trẻ em thường có xu hướng bướng bỉnh và thích làm ngược lại với ý của người lớn. Giáo dục bằng đòn roi quá nhiều lần trẻ cũng cảm thấy bình thường và không còn sợ nữa, trẻ trở nên lì lợm và cáu gắt với những người xung quanh và không thực hiện, nếu có làm cũng cố gắng làm chống đối.
 
Đối với những đứa trẻ ít nghịch ngợm, yếu ớt, nếu sử dụng đòn roi thì trẻ sẽ sợ, tất cả mọi việc đều không dám làm. Ngoài ra, việc người lớn sử dụng đòn roi có thể sẽ làm cho trẻ xa lánh và giấu giếm những câu chuyện hàng ngày, dần trở nên xa cách. Phương pháp kỷ luật bằng đòn roi không làm cho trẻ thay đổi tích cực mà còn để lại những hệ lụy.

Thay vì dùng hình thức đánh mắng, trừng phạt trẻ, người lớn vẫn có thể đạt được mục đích giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực.
 
Đây là biện pháp nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em nhưng không gây ra sự đau đớn về thể chất và tinh thần ở trẻ. Cách kỷ luật trẻ mang tính tích cực dựa trên các phương pháp: hệ quả tự nhiên và logic; hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong nhà trường và lớp học, gia đình; thời gian tạm lắng.
 
Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn như: khi không ăn sẽ bị đói, trời lạnh không mặc áo sẽ ốm. Hệ quả logic đòi hỏi sự can thiệp của người lớn hoặc của trẻ khác trong gia đình hay lớp học như: không học bài, nghe giảng sẽ bị điểm thấp...
 
Việc sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ có ý thức trách nhiệm về các hành vi của mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm và vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng. Nếu mục đích của việc dùng hệ quả tự nhiên và logic là dạy trẻ trách nhiệm thì việc thiết lập nội quy lại nhằm bảo vệ trẻ. Nội quy, nề nếp tạo cơ sở cho trẻ hiểu xem những hành vi nào là phù hợp, những hành vi nào là không phù hợp và đâu là giới hạn.
 
Em Bùi Thu Hiền ở tổ 8, phường Minh Tân chia sẻ: "Có lần, em không làm bài bị cô phát hiện. Em tình nguyện quét lớp. Từ đầu năm, cả lớp tự đặt ra cách phạt như vậy. Sau lần quét lớp đấy, em chăm chỉ làm bài tập hơn”.

Sử dụng phương pháp kỷ luật bằng đòn roi hay phương pháp kỷ luật tích cực thì những người làm bố, làm mẹ, thầy cô giáo đều mong muốn trẻ ngoan, có ý thức hơn. Tuy nhiên, người lớn hãy sử dụng phương pháp kỷ luật phù hợp để vừa mang lại hiệu quả giáo dục trẻ vừa bồi đắp thêm tình cảm yêu thương.

Thu Hiền