Yên Bái: Chủ động hạn chế phát sinh dịch bệnh sau lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/7/2018 | 9:25:47 AM

YBĐT - Ưu tiên hàng đầu của tỉnh ngoài việc ổn định đời sống của người dân các vùng bị thiệt hại sau lũ là không để phát sinh các mầm mống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm.

Cán bộ y tế phun khử trùng tiêu độc vệ sinh môi trườngtại thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.
Cán bộ y tế phun khử trùng tiêu độc vệ sinh môi trườngtại thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

Cùng với việc nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm người mất tích thì các lực lượng chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng của mưa lũ đang huy động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân san, hót bùn đất, vệ sinh nhà ở, đồ dùng, đường giao thông đồng thời triển khai xử lý môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Ưu tiên hàng đầu của tỉnh ngoài việc ổn định đời sống của người dân các vùng bị thiệt hại sau lũ là không để phát sinh các mầm mống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm.

3 ngày sau trận lũ kinh hoàng, thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn vẫn ngổn ngang đất đá. Hàng nghìn người dân, cán bộ, chiến sĩ được huy động cùng với địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai. Qua rà soát, thôn có hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng, 12 giếng nước bị ngập, hệ thống đường ống dẫn nước từ khe đầu nguồn bị hư hỏng hoàn toàn… 

Bà Phạm Thị Thanh, cán bộ y tế thôn Bản Tủ cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang rà soát và triển khai phun khử trùng tiêu độc môi trường của các gia đình bị ảnh hưởng, trong đó ưu tiên những nhà bị ngập. Đến sáng ngày 23/7, chúng tôi sẽ xử lý xong toàn bộ 50 nhà. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện đã khử trùng 5 giếng nước bằng Cloramin B và vận chuyển nước từ thị trấn Nông trường Liên Sơn cho nhân dân dùng tạm đồng thời khuyến cáo không sử dụng nước ở các khe, lạch”. 

Ngoài Bản Tủ, tại các khu vực khác bị ảnh hưởng do mưa lũ, huyện Văn Chấn chỉ đạo cán bộ y tế bám sát địa bàn được phân công để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh; giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tại thành phố Yên Bái, ở các điểm ngập úng của phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh... người dân và các lực lượng tăng cường chủ động nước rút đến đâu, vệ sinh hót dọn bùn rác đến đó để đảm bảo thông suốt giao thông và mĩ quan đô thị; lực lượng y tế tổ chức phun thanh khiết môi trường, khử trùng tiêu độc cho các khu dân cư bị ngập úng trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã, phường tập trung hướng dẫn nhân dân xử lý vệ sinh, thanh khiết môi trường và giếng nước của các hộ bị ngập cũng như giám sát tình hình dịch bệnh tại khu vực bị ngập lụt.

Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Sở Y tế Yên Bái đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái sẵn sàng các phương án khi nước rút sẽtriển khai ngay hoạt động thanh khiết môi trường, vệ sinh, khử trùng nguồn nước. Cùng với các cơ quan chức năng, ngành y tế đã đến các thôn, bản vùng lũ trợ giúp việc thu dọn xác chết động vật, khử trùng khi tìm thấy người bị nạn tử vong. 

Lãnh đạo Sở Y tế cùng lãnh đạo 2 đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trực tiếp có mặt ở nơi bị lũ lụt để chỉ đạo, hướng dẫn, trợ giúp y tế cơ sở khắc phục hậu quả. 

Theo bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái, Sở đã thành lập các đoàn công tác, ban hành công văn chỉ đạo các trung tâm y tế thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế và báo cáo kịp thời tình hình diễn biến mưa lũ; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh; giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ, Sở Y tế Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị y tế sẵn sàng ứng trực, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; thường xuyên xuống xuống cơ sở nắm bắt tình hình, đảm bảo lũ rút đến đâu, vệ sinh, khử trùng đến đó; cấp phát thuốc viên CloraminB và hướng dẫn người dân vệ sinh giếng nước, khử trùng nguồn nước; thu gom, xử lý, chôn xác súc vật; hỗ trợ tiêu độc khử trùng để khâm liệm, mai táng thi thể người chết; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để dịch đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa... bùng phát sau lũ.

Hùng Cường - Văn Thông