Trấn Yên khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/7/2018 | 8:09:24 AM

YBĐT - Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình công cộng trên địa bàn huyện Trấn Yên. 37,240 tỷ đồng là tổng thiệt hại của toàn huyện theo ước tính.

Đồng chí Nhuyễn Đình Chiến (bên trái) - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ cho hộ anh Lương Tiến Sĩ ở thôn Núi Vì, xã Hưng Khánh bị sập nhà hoàn toàn.
Đồng chí Nhuyễn Đình Chiến (bên trái) - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ cho hộ anh Lương Tiến Sĩ ở thôn Núi Vì, xã Hưng Khánh bị sập nhà hoàn toàn.


Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: "Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây mưa lớn kéo dài gần 30 giờ đồng hồ, từ đêm ngày 19, qua ngày 20 và đến rạng sáng ngày 21/7 tạm ngớt, may mắn là xã không có thiệt hại về người, duy nhất thôn Đức Thịnh có một người bị thương nhẹ”.

Tuy nhiên, có 80 nhà bị thiệt hại, trong đó 13 nhà sập đổ hoàn toàn, 2 nhà thiệt hại 50% - 70%, 13 nhà thiệt hại 30% - 50%; ước thiệt hại 30 ha lúa, 2 ha ao cá; một số tuyến đường liên thôn, liên xóm sạt lở đất khoảng 200 m3; công trình cấp nước tập trung thôn 6 Ngọn Đồng nguồn nước bị đục bùn đất nên không thể cấp nước. Xã ngay lập tức bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ bị sập nhà hoàn toàn và huy động lực lượng tình nguyện gần 400 người giúp đỡ các hộ gia đình, vệ sinh mọi tuyến đường, chặt cây to có nguy cơ đổ vào nhà…

Nhà bị sập lúc 22h đêm 20/7, tranh thủ mưa ngớt sáng 21/7, hàng trăm người dân cùng họ hàng đã giúp hộ anh Lương Tiến Sĩ, thôn Núi Vì dựng một ngôi nhà gỗ. Anh Sĩ nói rằng: "Quan trọng là vợ chồng và hai con đều không sao. Mình còn trẻ thì mình sẽ làm lại từ đầu”.
 
Cũng ngay trong chiều 21/7, xã tổ chức di dời 2 hộ thôn Khe Cam có vết nứt lớn trên đồi sau nhà đến nơi ở an toàn. Tính đến chiều 21/7, có 17 người đã được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuyến đường liên xã Hưng Khánh - Hưng Thịnh bị cây to đổ chắn ngang đường đã khắc phục xong và nước tại ngầm tràn quốc lộ 37 đã rút, giao thông thông suốt.
 
Hiện nay, xã còn 3 tuyến đường liên xóm: Cóc Có, Pá Thoọc, Cây Chủ chỉ có thể đi bộ vì sạt lở đất; 5 vị trí đường liên thôn sạt hàm ếch cần kè lại, đắp chặt, tránh rỗng chân. 30 ha lúa bị thiệt hại, chủ trương của xã là tuyên truyền, vận động nông dân nhặt đá, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ, dặm lại…
 
Ông Trần Văn Tam chia sẻ: "Thiệt hại quá lớn nên thời gian khắc phục có thể kéo dài vì chúng tôi thiếu phương tiện, thiếu nhân lực. Bên cạnh thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, địa phương mong được hỗ trợ về nhân lực, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tiếp đó, xã rà soát quỹ đất tái định cư cho các hộ phải di dời khẩn cấp để báo cáo huyện”.

Không riêng xã Hưng Khánh, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình công cộng trên địa bàn huyện Trấn Yên. 37,240 tỷ đồng là tổng thiệt hại của toàn huyện theo ước tính. Khẩn trương thực hiện phương châm "4 tại chỗ” trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, huyện đã tập trung toàn lực cho nhiệm vụ này.
 
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai công tác ứng trực tại cơ sở; thống kê những điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng, bố trí lực lượng di dân, bảo vệ và cảnh giới khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngầm tràn… đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
 
Với các đập thủy lợi, đập bể xả thải khoáng sản, huyện yêu cầu các địa phương cùng đơn vị quản lí theo dõi chặt chẽ. Tính đến 6h ngày 22/7, các đoàn công tác của huyện đến thăm hỏi, hỗ trợ 01 gia đình có người chết, 01 người bị gãy chân, 03 người bị thương nhẹ và 20 gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn.
 
Tại những khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập úng, toàn huyện đã tổ chức di dời 391 hộ dân; kịp thời hỗ trợ, bố trí chỗ ở cho những hộ dân bị sập nhà hoàn toàn đến nơi an toàn; huy động lực lượng sửa chữa tạm thời 79 nhà bị hư hỏng từ 30% - 70% để ổn định sinh hoạt cho nhân dân.
 
Khắc phục, sửa chữa và đảm bảo lưu thông trên các tuyến tỉnh lộ, giao thông liên xã, liên thôn là một nỗ lực rất lớn của huyện Trấn Yên cũng như các địa phương bởi khối lượng sạt lở đất đá khoảng 66.000 m3: đường Y Can - Kiên Thành (ngã ba Minh An rẽ trái) sạt lở 38 vị trí, khối lượng khoảng 16.950 m3; đường Hưng Khánh - Hồng Ca sạt lở 11 vị trí, khối lượng 12.000 m3… Ngoài ra,  huyện đã chỉ đạo khắc phục các trục đường điện cao thế, hạ thế, cột điện, trạm biến áp bị ảnh hưởng, bị đổ, hư hỏng để nhanh chóng cấp điện sinh hoạt trở lại.
 
Việc kịp thời gia cố 4 đoạn đê xung yếu của thị trấn Cổ Phúc dài hơn 200 m và đê Tiền Phong - Hiền Lương, xã Minh Quân giúp giữ đê an toàn. Ngành nông nghiệp huyện và các địa phương tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất do bị ngập úng 662 ha lúa, hoa màu khác 224 ha, cây công nghiệp và cây ăn quả 101 ha; 238,6 ha ao nuôi cá bị tràn, vỡ; gia súc, gia cầm chết 1.660 con.

Chủ động, khẩn trương, nỗ lực, tập trung huy động toàn bộ lực lượng thực hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ là quyết tâm của huyện Trấn Yên để nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân và khôi phục sản xuất.  
 
Nguyễn Thơm