Ông Nguyễn Văn Đông làm giàu từ trồng bưởi và nuôi ong

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2018 | 2:46:44 PM

YBĐT - Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi - mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Quyết Tiến, xã Đại Minh, huyện Yên Bình vui vẻ kể chuyện cây bưởi đã gắn bó với gia đình ông từ đời ông bà, bố mẹ. Là giống bưởi đặc sản của vùng đất này, nên hầu như trong xã nhà nào cũng trồng bưởi.

Ông Nguyễn Văn Đông luôn chịu khó tìm tòi cách làm ăn và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Đông luôn chịu khó tìm tòi cách làm ăn và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.


Đến khi lập gia đình ra ở riêng, ông được bố mẹ cho của hồi môn cũng là cây bưởi. Lúc đầu chỉ có vài cây bưởi, nuôi vài con gà để trang trải cuộc sống. Sau nhận thấy nhu cầu thị trường, ông Đông đã dành số tiền sau nhiều năm tích lũy cộng với mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua thêm đất nhân rộng mô hình trồng bưởi đặc sản.
 
Là người ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu thị trường, đến năm 2006, ông là người đầu tiên mang giống bưởi Diễn về trồng trên đất Đại Minh. 100 gốc bưởi ông mang về trồng chỉ sau 3 năm đã cho trái ngọt.
 
Đất lành, nên thứ bưởi đặc sản của Hà Nội không chỉ sai quả mà còn có vị rất ngon, ngọt, thơm nên rất nhiều bà con trong xã đến học hỏi kinh nghiệm về trồng bưởi Diễn của ông Đông. Đến năm 2016, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy thị trường ưa chuộng giống bưởi đỏ Tân Lạc.
 
Đây là giống bưởi có xuất xứ từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình với đặc trưng vỏ quả màu vàng bóng, lõi ruột đỏ hồng, ăn có vị ngọt mát nên ông lại đi tìm hiểu, học hỏi để đưa giống bưởi Tân Lạc về quê hương mình. Với 400 gốc bưởi các loại, thu nhập từ trồng bưởi của gia đình ông tăng theo từng năm và từ 350 triệu đồng năm 2012 đến năm 2016, con số đó đã tăng lên 510 triệu đồng/năm.

Là hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp, bản thân ông Đông không lúc nào ngừng học hỏi, nghiên cứu, tiếp thu các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để đổi mới cách làm, đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào phát triển kinh tế. Từ đó, gia đình ông không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
 
Với sự sáng tạo trong lao động, ông Đông còn kết hợp trồng cây ăn quả với phát triển chăn nuôi. Cùng với nuôi lợn nái và gia cầm cho thu nhập trung bình 60 triệu đồng/năm, ông Đông đã đi học hỏi cách để phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.
 
Ông Đông chia sẻ: "Tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do xã tổ chức, tôi nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của gia đình mình do có vườn cây ăn quả. Lúc đầu tôi thử nghiệm với hơn 10 tổ ong, song nhận thấy hiệu quả kinh tế từ ong mật mang lại nên tôi đã nhân rộng mô hình nuôi ong. Lúc nhiều nhất, nhà tôi có đến 200 tổ ong trải dài trên khu đất trồng bưởi”.
 
Với ông Đông, nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa, người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong, am hiểu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.
 
Để có mật ong ngon, đảm bảo, ông Đông đã mạnh dạn đưa đàn ong đến những nơi có nhiều hoa, cách ly với khu dân cư và những nơi người dân không phun thuốc trừ sâu. Mật ong thơm, chất lượng tốt nên làm ra đến đâu ông bán hết đến đó. Thu nhập của gia đình ông sau khi đã trừ chi phí đạt từ 600 - 700 triệu đồng/năm.

Nói về mô hình trồng bưởi kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Gia đình ông Đông là một trong những hộ nông dân tiêu biểu của xã trong phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, nuôi gia súc, gia cầm.
 
Với việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Đông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con lối xóm. Ông cũng đã giúp 3 hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn từ 15 - 20 triệu đồng để vươn lên phát triển kinh tế”.

Bùi Minh