Cách giữ rừng ở Kim Nọi

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2018 | 1:49:08 PM

YBĐT - Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo mỗi bản thành lập 1 tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng. Dựa trên diện tích rừng quản lý, bảo vệ của từng bản, mỗi tổ có từ 16 đến 20 người. 

Lãnh đạo xã Kim Nọi cùng lực lượng xung kích đi kiểm tra rừng.
Lãnh đạo xã Kim Nọi cùng lực lượng xung kích đi kiểm tra rừng.

Xã Kim Nọi huyện Mù Cang Chải có 342 hộ dân, với 1.832 nhân khẩu. Toàn xã có tổng diện tích đất rừng là 2.246,69 ha; trong đó, rừng phòng hộ 1.939,84 ha, rừng sản xuất 306,85 ha. Để công tác bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR) đạt hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo mỗi bản thành lập 1 tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Dựa trên diện tích rừng quản lý, bảo vệ của từng bản, mỗi tổ có từ 16 đến 20 người. Ngoài ra, xã còn xây dựng nhiều phương án tác chiến để BVPTR được tốt hơn.
 
Trong đó, thường xuyên tổ chức họp bản tuyên truyền về Luật BVPTR), phổ biến sâu rộng các chỉ thị của tỉnh, huyện về công tác quản lý BVPTR và PCCCR; chỉ đạo các tổ xung kích, các hộ có rừng chủ động tuần tra, kiểm tra diện tích rừng mình quản lý, nếu phát hiện người chặt phá rừng mà số lượng gỗ ít thì xử phạt theo quy ước, hương ước của địa phương; số lượng lớn thì xử lý theo pháp luật.

Ông Sùng A Sàng - Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi cho biết: "Để công tác quản lý BVPTR được tốt hơn, xã đã chỉ đạo chia bình quân diện tích đất rừng tự nhiên cho từng hộ quản lý, bảo vệ để mọi gia đình đều có rừng và được hưởng chế độ chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Cách làm này hợp lòng dân, nên bà con đều phấn khởi nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong BVPTR. Với diện tích rừng trồng, hộ nào trồng được nhiều thì bảo vệ nhiều và ngược lại. Đây là giải pháp gắn trách nhiệm việc quản lý BVPTR cho mỗi người dân”.
 
Ngoài ra, Đảng ủy, chính quyền xã luôn chủ động đôn đốc Ban Chỉ đạo PCCCR của xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ rừng cho người dân. Công an xã, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, các tổ xung kích tại 6 bản cùng với nhân dân luôn sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng và ngăn chặn kịp thời khi rừng bị xâm hại.
 
Ở những khu rừng trọng điểm như: Háng Gàng, Háng Chú, Dào Xa, Tà Chơ, La Phu Khơ… đều được tạo đường băng cản lửa và bố trí lực lượng canh gác. Ở bản La Phu Khơ - cách trung tâm xã gần chục cây số là nơi có nhiều rừng phòng hộ, bà con người Mông rất tích cực bảo vệ rừng. Bởi lẽ, người dân đã nhận thức được rừng là nguồn sống, vì có rừng thì rừng sẽ điều hòa môi trường, tạo ra không khí trong lành, chống xói mòn, làm hạn chế lũ lụt...
 
Ở bản Dào Xa có 44 hộ cũng bảo vệ rừng rất tốt và không còn hiện tượng chặt phá rừng, vì hàng năm người dân đã được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng là 760.000 đồng/ha. Với mức phí này, nhiều hộ BVPTR tốt đã có nguồn thu cả chục triệu đồng...

Với cách làm này, Kim Nọi đã phát huy hiệu quả và huy động được sức mạnh của cộng đồng, gắn với trách nhiệm, quyền lợi của nhân dân trong BVPTR trong nhiều năm qua.

Sùng A Hồng