Cảnh giác trước những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2018 | 7:58:58 AM

YBĐT - Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ bị lợi dụng để thực hiện những hành vi xấu, trong đó có việc đăng tải, lan truyền những thông tin sai sự thật.


Đơn cử, vừa qua, lợi dụng tình hình của tỉnh, nhiều mạng xã hội đưa tin sai sự thật về lãnh đạo tỉnh nhằm bôi nhọ, hạ uy tín. Hay, trước vụ việc chỉnh sửa bài thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh trong khu vực, có trang mạng xã hội đã đưa tin về kỳ thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Yên Bái, tuy nhiên, nội dung đã được chỉnh sửa, nhằm cho người đọc hiểu "có dấu hiệu bất thường”.
 
Đáng chú ý, những thông tin sai sự thật được trích nguồn trên các báo chính thống và được cắt gọt, chỉnh sửa "rất khéo” theo kiểu "đánh tráo thông tin”, lấy kết quả của năm trước ghép vào năm sau. Do đó, nếu chưa tiếp cận hoặc không phân tích kỹ, người đọc sẽ rất dễ "bị lừa” từ những tin trên.

Vì sao có tình trạng này? Có lẽ, trong xã hội hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin thì đời sống trên mạng xã hội không còn là ảo mà nó liên hệ trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống thực của mỗi người. Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội có phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm...
 
Do đó, mạng xã hội luôn là đối tượng dễ bị lợi dụng làm công cụ xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu người khác, gièm pha, làm mất uy tín, hình ảnh của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị hại.
 
Thậm chí, đôi khi đơn giản chỉ vì muốn câu "like”, muốn được nổi tiếng trên cộng đồng mạng mà rất nhiều người đã sẵn sàng bịa đặt các câu chuyện không có thật và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch và bọn phản động còn lợi dụng mạng xã hội như một công cụ hiệu quả cho các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, đăng tải thông tin, video, clip đã cắt ghép, sai bản chất sự việc… nhằm hạ uy tín cán bộ, cơ quan, ban ngành và Đảng, Nhà nước ta; kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người biểu tình, bạo loạn gây rối an ninh trật tự…

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cấm hành vi đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thông tin, truyền thông, bảo vệ quyền lợi công dân và đề cao tính thượng tôn pháp luật, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật xử lý đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.
 
Theo đó, chủ thể có hành vi đăng tải các thông tin thất thiệt sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Chủ thể chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi bác bỏ thông tin đã đăng tải, xin lỗi và cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
 
Bên cạnh những chế tài xử lý, răn đe nghiêm khắc của pháp luật, để hạn chế tình trạng đăng tải thông tin thất thiệt, sai sự thật lên mạng xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác trong sử dụng Internet và mạng xã hội, cân nhắc kỹ trước khi bình luận, chia sẻ các luồng thông tin được tiếp cận để không vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.

 Nguyễn Đình