Moody’s đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/8/2018 | 9:13:28 AM

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, từ mức B1, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được Moody’s nâng lên mức Ba3, kèm với triển vọng điều chỉnh từ "tích cực” sang "ổn định”.

Theo Moody’s, Việt Nam vẫn đang nắm giữ lợi thế so sánh trong xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động như dệt may.
Theo Moody’s, Việt Nam vẫn đang nắm giữ lợi thế so sánh trong xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động như dệt may.

Theo báo cáo mới nhất của Moody’s vừa công bố ngày 10-8, việc nâng hạng tín nhiệm lên Ba3 dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đi kèm với việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế. Gánh nặng nợ của chính phủ giảm dần nhờ kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ dài và giảm phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ.

Việc điều chỉnh tích cực kể trên cũng phản ánh những cải thiện trong lĩnh vực ngân hàng và những thay đổi này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì dù còn ở mức độ tương đối yếu.

Moody’s cũng nhận định, kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, vào khoảng 6,5%, nhờ sử dụng lao động và vốn ngày càng hiệu quả. Trên phạm vi toàn cầu, tiềm năng tăng trưởng mạnh thường có xu hướng liên quan đến khả năng cạnh tranh tương đối thấp. Tuy nhiên, sức mạnh nền kinh tế Việt Nam là sự kết hợp giữa tăng trưởng mạnh và khả năng cạnh tranh cao, được thể hiện trong việc nền kinh tế đang chuyển hướng sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Hãng đánh giá tín dụng uy tín thế giới cho rằng, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6% trong thập kỷ qua, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất chỉ trong một thời gian ngắn và đủ khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như điện thoại thông minh, đồng thời vẫn giữ lợi thế so sánh trong xuất khẩu các mặt hàng cần nhiều lao động như dệt may. Khả năng cạnh tranh tăng cùng với việc đẩy mạnh chuyển tiếp sang hoạt động công nghiệp giá trị gia tăng cao sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong trung hạn.

Dựa vào những yếu tố trên, Moody’s dự báo tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022 sẽ ở mức 6,4%.

Ngoài ra, Moody's cũng nâng trần tín nhiệm với trái phiếu ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ Ba2 lên Ba1 và trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn từ B2 lên B1. Trần trái phiếu ngoại tệ và tiền gửi ngắn hạn được giữ nguyên ở mức "không phải tốt nhất” (Not Prime). Mức trần trái phiếu nội tệ và tiền gửi bằng VND cũng không đổi so với mức tín nhiệm Baa3.
(Theo NDĐT)