Sáng ngời "bộ đội Cụ Hồ"

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/8/2018 | 7:55:19 AM

YBĐT - Rời quân ngũ, ông Vi Văn Đạt - cựu chiến binh (CCB) ở thôn 3, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại đồi rừng để đến nay, ông là chủ của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với mức thu nhập gần 600 triệu đồng/năm. 


Ông Vi Văn Đạt chăm sóc ao cá.
Ông Vi Văn Đạt chăm sóc ao cá.


Nhờ cần cù, biết tính toán quay vòng vốn, đến nay, CCB Vi Văn Đạt đã là chủ của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với mức thu nhập gần 600 triệu đồng/năm.

Ông Đạt cho biết, năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi lập gia đình trong điều kiện kinh tế rất khó khăn và ông đã xoay sở đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Đến khi Nhà nước đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, ông  đã mạnh dạn nhận trên 10 ha để trồng rừng.

Lúc đầu chưa có vốn, ông  tập trung trồng cây lương thực để chăn nuôi, rồi vay mượn thêm anh em, đồng đội đầu tư trồng rừng. Cần mẫn không quản ngại mưa nắng, những đồi cây của ông đã đến kỳ thu hoạch và cho thu nhập sau khi trừ mọi chi phí còn dư được hơn 100 triệu đồng. 

Chưa thỏa mãn, ông Đạt mạnh dạn mua thêm đất rừng, đấu thầu thêm đất của các hộ trong thôn để tiếp tục phát triển kinh tế đồi rừng. Bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài, khi rừng cây này thu hoạch ông lại trồng rừng cây mới.
 
Những chỗ rừng chưa khép tán, ông trồng ngô, sắn để lấy thức ăn chăn nuôi. Sau khi khảo sát thị trường, thấy quế là cây trồng có giá trị kinh tế, vậy là, đầu năm 2000 ông đầu tư mua quế giống về trồng.
 
Theo ông Đạt, trồng rừng phải mất khá nhiều thời gian mới được thu hoạch, vì vậy, phải kết hợp chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Bởi vậy, sẵn có quỹ đất, ông đầu tư hệ thống chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, mở thêm dịch vụ xay xát, nấu rượu lấy thức ăn chăn nuôi.
 
Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thành hàng hóa, đến nay, ông đã mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi lên tới hơn 20 con lợn nái và cả trăm con lợn thịt mỗi lứa, nuôi ong lấy mật, nuôi trâu, bò sinh sản.

Chia sẻ về những thành công của mình, ông Đạt cho biết: "Điều cốt lõi là phải cần cù lao động; đồng thời, phải biết lựa chọn đúng hướng đi trong phát triển kinh tế. Nếu vốn ít thì đầu tư ít và ngược lại. Tuy nhiên, không nên đầu tư dàn trải để tránh thất thoát vốn cũng như không hiệu quả trong đầu tư. Điều cốt lõi hơn cả là, cần phải tìm hiểu các kiến thức phát triển kinh tế một cách tỉ mỉ. Chẳng hạn, nuôi gà mùa nào hay dịch bệnh thì mình tránh; nuôi lợn cũng vậy. Có như thế mới thành công".
 
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp đỡ về cây, con giống, tạo mọi điều kiện cho bà con có nhu cầu tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Từ đồng vốn và con giống của ông, nhiều hội viên CCB, bà con trong thôn, xã đã vươn lên thoát nghèo.
 
Ông Vi Văn Đạt còn tham gia nhiệt tình các phong trào của Hội CCB xã phát động cũng như các phong trào khác của xã, thôn, điển hình như việc góp tiền, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Ông Khương Văn Thịnh - Chủ tịch Hội CCB xã Mậu Đông cho biết: "Tấm gương vượt khó thoát thèo của CCB Vi Văn Đạt là một điển hình để Hội CCB xã xây dựng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là tấm gương sáng để Hội tiếp tục nhân rộng, tạo khí thế sôi nổi trong phong trào vượt khó, giúp nhau thoát nghèo bền vững".

Thanh Tân