Một chính sách kịp thời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/8/2018 | 7:58:14 AM

YBĐT - Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua đã khẳng định và thông qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57 của Chính phủ.


Sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực như vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế 68.000 ha, vùng tre măng Bát độ 3.600 ha, vùng cây sơn tra 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...

Từ đó, đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù, đặc sản của địa phương, được các khách hàng trong nước, ngoài nước biết đến: chè Shan tuyết Suối Giàng; cam sành Lục Yên; cam Văn Chấn; bưởi Đại Minh; gạo nếp Tú Lệ; gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà...
 
Tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, thu nhập được cải thiện. Khảo sát tại Văn Chấn, thu nhập bình quân của hộ trồng cây cam, quýt trên địa bàn huyện đạt khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm; hộ trồng chè Shan đạt khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm; hộ trồng quế thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
 
Nhờ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của Văn Chấn hàng năm xuống từ 4% – 5%; nhiều hộ gia đình ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn đã ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đó, vẫn còn những khó khăn cốt lõi, đó là tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, một số nông sản, chủ yếu là cam, quýt, vỏ quế, gạo đặc sản, sản phẩm chăn nuôi… phụ thuộc lớn vào biến động của thị trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất không ổn định.

Thấy rõ những vấn đề mấu chốt, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua đã khẳng định và thông qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57 của Chính phủ.
 
Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 57 của Chính phủ và cụ thể từng quy mô, phạm vi đầu tư hưởng chính sách dự án. Nông dân sẽ được hỗ trợ bằng chính sách góp đất để liên kết, thành lập ra các hợp tác xã và tổ hợp tác để sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp, qua đó hình thành mối liên kết sản xuất bền vững. Coi doanh nghiệp như là một đơn vị trong bộ máy Nhà nước để các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp đồng hành và trách nhiệm với doanh nghiệp khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, có cam kết bảo đảm an ninh trật tự, bồi thường giải phóng mặt bằng hay bảo đảm vay vốn khi doanh nghiệp có đề nghị.
 
Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp để sản phẩm làm ra được công nhận là sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
 
 Quang Thiều