Mường Lai đổi mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/8/2018 | 2:23:32 PM

YBĐT - Trong kháng chiến chống Pháp, những chiến sỹ Đội du kích Cổ Văn, xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã kiên cường, bất khuất đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng đó, các thế hệ con cháu nơi đây đang chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, nông thôn mới.

Người dân xã Mường Lai phát triển nghề nuôi cá lồng.
Người dân xã Mường Lai phát triển nghề nuôi cá lồng.

Chúng tôi đến xã Mường Lai vào những ngày mùa thu lịch sử nơi có Đội du kích Cổ Văn anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích Cổ Văn năm xưa - ông Hoàng Triều Cống giờ đã ngoài 90 tuổi, song những kỷ niệm về một thời anh dũng vẫn còn mãi.
 
Ông Cống cho biết: "Ngày ấy, tôi được giao nhiệm vụ cầm thư vào để đưa cho quan đồn, yêu cầu ra đầu hàng. Dù biết vào hang địch sẽ lành ít, dữ nhiều nhưng nghĩ đến việc giành độc lập, cho dân tộc, tôi lại thêm quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ”.

Thời chiến đã qua nhưng những câu chuyện, ký ức của ông Cống và các chiến sỹ Đội du kích Cổ Văn chính là một động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Lai cùng đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
 
Cùng với việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vụ ba vào sản xuất với các loại cây lương thực ngắn ngày, nhân dân xã Mường Lai tập trung phát triển mạnh đàn gia súc, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, như: các mô hình nuôi cá lồng tại hồ Từ Hiếu, hồ Tặng An, hồ Roong Đeng, mô hình nuôi lợn, gà...; đồng thời, chú trọng phát triển các loại cây ăn quả chủ lực của địa phương như cam Vinh, cam sành, hồng không hạt góp phần tăng thu nhập. Tiêu biểu trong số đó là anh Hoàng Văn Chiếm ở thôn Roong Đeng. S
 
au khi cầm tấm bằng đại học chuyên ngành thủy sản trong tay, anh quyết định trở về quê hương phát triển kinh tế. Nhận thấy hồ Roong Đeng có diện tích mặt nước rộng trên 14 ha, nguồn nước sạch, cùng với những gì đã được học, anh đầu tư nuôi cá lồng, nuôi ếch trên hồ.
 
Anh Chiếm cho biết: "Hiện nay, tôi duy trì thường xuyên 4 lồng cá trắm, khoảng 800 con, 6 lồng cá diêu hồng và rô phi đơn tính. Ngoài nuôi cá, tôi đầu tư thêm nuôi ếch. Với vốn có kiến thức về chăn nuôi thủy sản, tôi tự nhân giống ếch con nên cũng tiết kiệm một khoản lớn đầu tư giống. Bình quân mỗi năm, tôi duy trì 30 lồng ếch thịt, mỗi lồng khoảng 1.500 con, cho thu lãi trên 200 triệu đồng”.
 
Điều dễ nhận thấy về sự đổi thay của Mường Lai hôm nay là hoạt động thương mại, dịch vụ phong phú làm cho nhịp sống của vùng quê này trở lên nhộn nhịp hơn, chợ xã mỗi tuần họp 3 phiên, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hiện xã có hơn 100 hộ làm dịch vụ buôn bán vừa và nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông nhàn của địa phương.

Với cách làm đúng hướng cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, kinh tế, xã hội ở Mường Lai đã có sự chuyển biến rõ nét, thu nhập đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay, đạt trên 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã hàng năm đều giảm.
 
Đây là điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã chung sức xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, nhiều tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa. Ngoài ra, các công trình nhà văn hóa, trường học, vệ sinh môi trường cũng được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới.

Tự hào là nơi ra đời của Đội du kích Cổ Văn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Lai tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đồng thời, giáo dục thế hệ con cháu hôm nay về truyền thống vẻ vang của cha ông để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hùng Cường