Vợ chồng nghèo mạnh bạo đầu tư

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/8/2018 | 8:11:34 AM

YBĐT - Các nông sản sạch của gia đình anh Nguyễn Trọng Sơn ở Minh Xuân (Lục Yên) làm ra được thu mua với giá cao hơn, không phải vất vả mang ra chợ bán mà có người thu mua tận vườn.

Anh Nguyễn Trọng Sơn chăm sóc vườn dưa chuột của gia đình.
Anh Nguyễn Trọng Sơn chăm sóc vườn dưa chuột của gia đình.

Đến hết năm 2017, vợ chồng anh chị Nguyễn Trọng Sơn, Nguyễn Thị Thơm ở thôn 16, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên vẫn còn là hộ nghèo. Song, cái nghèo không làm nhụt ý chí làm giàu của họ. Dám nghĩ, dám làm, mạnh bạo đầu tư, thay đổi tư duy sản xuất là những từ để hình dung về ý tưởng thoát nghèo của gia đình anh chị.

 
Tháng 9/2017, gia đình anh Sơn mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng xây dựng khu vực nhà lưới rộng hơn 600 m2, trồng những giống cây mới theo hướng an toàn. 100 triệu đồng có thể là số tiền nhỏ với nhiều người, song đối với gia đình anh chị thì đó là số tiền lớn. 

Đã vậy, đây không phải số tiền có sẵn mà do vay mượn mà có. Nếu như phần đông người nông dân lựa chọn việc sản xuất truyền thống, vốn đầu tư ban đầu thấp thì vợ chồng anh Sơn lại tư duy khác.
 
Anh Sơn tâm sự: "Từ khi quyết định chọn nghề nông làm chính, chúng tôi đã hướng việc sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế tối đa việc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tâm lý người tiêu dùng hiện nay luôn hướng đến những sản phẩm sạch và an toàn nên nếu đầu tư chắc chắn sẽ không lỗ. Hơn nữa, sản xuất không an toàn không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà cả người sản xuất”.
 
Để việc sản xuất theo đúng quy chuẩn an toàn, gia đình anh Sơn còn đào thêm giếng nước mới, đầu tư máy bơm dẫn nước vào tận nơi, phục vụ việc tưới tiêu.

Vụ đầu tiên, gia đình anh trồng giống dưa chuột tự thụ phấn có nguồn gốc từ Mỹ cho quả to, xanh nhẵn như quả bí đao, ăn ngọt nhưng do còn bỡ ngỡ trong quá trình trồng và chăm sóc, năng suất chưa đạt như yêu cầu. 

Chị Nguyễn Thị Thơm cho biết: "Đây là lần đầu tiên, gia đình tôi trồng cây trong nhà lưới lại còn là những giống lạ, chưa trồng bao giờ nên rất khó khăn khi phải thay đổi toàn bộ tập quán canh tác. Không phun thuốc bảo vệ thực vật nên chúng tôi phải bắt sâu thủ công. Có những hôm 2 vợ chồng bắt sâu mất cả buổi quên cả ăn cơm". 

"Giai đoạn đậu quả thì càng phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và cắt bỏ các ngọn nhánh để tập trung phát triển quả… Cứ thế, vừa làm, học hỏi vừa rút kinh nghiệm nên năng suất không được cao. Lẽ ra phải được 5 kg quả/cây nhưng đây mới đạt được có 1 nửa thôi” - chị Thơn chia sẻ. 

Hơn nữa, với hình dáng không phổ biến, giống dưa này chưa được người dân đón nhận mặc dù chị Thơm đã mang ra tận chợ bày bán. Không nhụt chí, anh chị nhờ người quen đăng bán trên mạng xã hội. 

Giống lạ, giá thành rẻ, anh chị bắt đầu bán được hàng, được nhiều người biết đến. Những lần thu hoạch tiếp theo, hàng không đủ để cung cấp cho các mối quen.
 
Không để đất nghỉ, vụ dưa kết thúc cũng là lúc những cây cà chua Mỹ xanh tốt chỉ thêm 1 tháng chăm sóc là cho thu hoạch. Sẵn có uy tín là an toàn, nông sản đưa ra thị trường lần này được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Đến nay, khi người ta biết được lợi ích của việc sản xuất rau an toàn, các sản phẩm của gia đình anh Sơn làm ra được thu mua với giá cao hơn, không phải vất vả mang ra chợ bán mà có người thu mua tận vườn. Vào những ngày thu hoạch, mỗi ngày khu vườn của gia đình anh Sơn cung cấp ra thị trường từ 70-80 kg quả, thu về khoảng 500.000 đồng/ngày, giúp gia đình anh Sơn dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

H.A