Không lạm thu trong xã hội hóa giáo dục

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2018 | 7:50:24 AM

YBĐT - Thời gian qua, đã có lúc, có nơi có biểu hiện lạm dụng, thể hiện rõ nhất là việc thu các khoản ngoài ngân sách trong các trường học, làm cho các gia đình thêm gánh nặng bởi khoản chi cho con đầu năm học, thậm chí gây bức xúc cho xã hội. 

Năm học mới 2018 - 2019 đã bắt đầu với nhiều kỳ vọng. Mặc dù là tỉnh miền núi nghèo, nhưng những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Bản thân đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay đóng góp của xã hội để đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục. Nhờ đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đã huy động được nguồn lực rất lớn trong cộng đồng, góp phần để cơ sở vật chất các đơn vị trường học trên địa bàn thêm khang trang, người dạy và người học có điều kiện tốt hơn.

Không thể phủ nhận những lợi ích, kết quả tích cực trong thực hiện chủ trương xã hội hóa, tuy nhiên, thời gian qua, đã có lúc, có nơi có biểu hiện lạm dụng, thể hiện rõ nhất là việc thu các khoản ngoài ngân sách trong các trường học, làm cho các gia đình thêm gánh nặng bởi khoản chi cho con đầu năm học, thậm chí gây bức xúc cho xã hội. 

Chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý thu, chi; chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học, ngay từ giữa tháng 8/2018, ngành GD-ĐT tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các khoản thu, chi theo quy định; các khoản thu của các tổ chức vận động thông qua nhà trường; các khoản thu thỏa thuận và các khoản đóng góp tự nguyện, trong đó lưu ý các khoản đóng góp tự nguyện hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường. 

Việc thu khoản đóng góp tự nguyện chỉ áp dụng trong trường hợp ngân sách Nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị. Việc kêu gọi, huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp, không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho trường; không ép buộc học sinh mua đồ dùng học tập, sách giáo khoa của trường; không bắt buộc học sinh sử dụng vở viết theo thiết kế riêng của nhà trường… 

Bên cạnh triển khai 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cho năm học 2018 - 2019 mà Bộ GD-ĐT đã đề ra và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học do Sở GD-ĐT Yên Bái ban hành, các đơn vị trường học trong tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới các khoản thu, chi. Theo đó, các khoản thu, chi đều phải có dự toán chi tiết theo nguyên tắc đảm bảo cân đối thu đủ bù chi và không được trích chi cho công tác quản lý các loại quỹ. 

Các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong thực hiện công tác kế toán, thống kê các khoản thu khác, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu. Các khoản thu, chi phải đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Tất cả các cơ sở giáo dục phải công khai các khoản thu, chi của đơn vị. Các khoản thu, chi phải được sự đồng ý, thỏa thuận của phụ huynh học sinh và phê duyệt của các cơ quan quản lý cấp trên theo phân cấp. 

Tuyệt đối không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung của các khoản khác. Nếu thừa phải trả lại cho học sinh và gia đình học sinh.

Đặc biệt, ngành GD-ĐT và các cơ quan chức năng các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu phát hiện sai phạm, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu…

Thành Trung