Học nghị quyết, viết thu hoạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/9/2018 | 7:56:02 AM

YBĐT - Lần đến công tác ở một xã vùng cao của một huyện vùng thấp, có đồng chí lãnh đạo của xã bày tỏ chút "nỗi niềm” về việc học nghị quyết. Đồng chí cho rằng, công tác tổ chức học tập lần nào cũng diễn ra chu đáo, suôn sẻ. Số lượng học viên tham gia đảm bảo yêu cầu, bài viết thu hoạch được nộp về đúng thời gian quy định.

Có điều, một số đồng chí ở xã vùng cao của huyện này cứ trình bày rằng viết tay còn "vất” ngang đi cày ruộng. Bài viết không đảm bảo là phải viết lại, không hoàn thành là không tròn trách nhiệm. Chúng tôi thấy kho khó!”.

Đồng chí lại tâm sự rằng, chuyện này hẳn không ngoại lệ đối với địa phương mình. Theo đồng chí, việc học tập nghị quyết, lý luận chính trị rất quan trọng, bởi nếu không sẽ "… chẳng khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc” như sinh thời Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở. Nhưng, bao năm gắn bó, đồng chí không quên vừa nhắc nhở vừa động viên anh em cố gắng tranh thủ vừa làm vừa học. Anh em lăn lộn với cơ sở nên thật sự phải cần có lý luận, liên tục bổ sung kiến thức thì mới không bị lạc hậu và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, của dân giao phó.
 
Đồng chí cũng kể thêm câu chuyện, rằng trong một buổi làm việc với xã, một đồng chí lãnh đạo cấp ủy cấp trên đã trao đổi cụ thể và cặn kẽ về vấn đề này.
 
Đồng chí đó hỏi ba câu: một là, khi học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy xã có tài liệu phát cho học viên không; hai là, học viên có sổ ghi chép trong quá trình học tập nghị quyết không; ba là, lớp học có đủ bàn và ghế cho học viên ngồi và viết không.
 
Đồng chí lãnh đạo xã đó trả lời rằng: thứ nhất, học viên không được phát tài liệu; thứ hai, có học viên có sổ ghi chép, có học viên không có; thứ ba, không có đủ bàn, ghế cho học viên ngồi và viết vì mỗi lần học tập rất đông.
 
Đồng chí lãnh đạo cấp ủy cấp trên nghe xong, cũng nói thực rằng: "Vậy thì cũng khó để các học viên tiếp thu nghị quyết cho sâu được, khó mà các bài viết thu hoạch đạt chất lượng cao cho được, chưa kể đến chất lượng và năng lực truyền đạt của báo cáo viên”.

Câu chuyện của một xã vùng cao trong một huyện vùng thấp, nhưng nhiều địa phương khác ít nhiều có thể thấy mình trong đó. Vậy thì, để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của trên, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy các cấp; đồng bộ với đó, là trách nhiệm của cấp ủy cơ sở.
 
Trên hết, đó là ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập, quán triệt nghị quyết, viết bài thu hoạch sau học tập, quán triệt nghị quyết là khâu đầu tiên đặc biệt quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, trên nữa là tổ chức Đảng cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện, đưa nghị quyết của trên vào cuộc sống.

Nguyễn Thơm