Con thuyền tình người ở bến Ngòi Di

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/10/2018 | 8:08:38 AM

YBĐT - Bến Ngòi Di - thôn Ngòi Di, xã Yên Thành, huyện Yên Bình hơn 2 năm nay "chứng kiến” những buổi lái thuyền bằng tấm lòng tự nguyện của một người đàn ông dân tộc Dao trong thôn đưa các em học sinh tới trường. 

Anh Lý Văn Thiểu tình nguyện lái thuyền đưa các em học sinh đến trường.
Anh Lý Văn Thiểu tình nguyện lái thuyền đưa các em học sinh đến trường.

Con thuyền chở ước mơ tìm con chữ của những đứa trẻ sống trên đảo hồ, chở cả tình người của một con người bình dị nơi bến nước lòng hồ. 

70 hộ dân thuộc xã Yên Thành sống trên đảo hồ bấy lâu nay chỉ có duy nhất thuyền bè làm phương tiện đi lại. Thế nên, nhiều năm qua, những đứa trẻ trong các gia đình ấy cũng chỉ có duy nhất con đường đến trường là trên những chiếc thuyền nan và thường thì phải tự chèo thuyền bởi bố mẹ còn bận mưu sinh. Những đứa trẻ nhỏ bé giữa hồ nước mênh mông trên con đường tới trường mà hiểm nguy từ đuối nước là mối lo thường trực.
 
Thế rồi, năm 2016, một chiếc thuyền máy được đầu tư cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Yên Thành phục vụ việc đưa đón các em học sinh. Nhưng có thuyền máy mà chưa có người lái thuyền. Nhiều lời đề nghị từ phía nhà trường với nhiều người để đưa đón các em mà không nhận được cái gật đầu từ họ, cho đến khi anh Lý Văn Thiểu tình nguyện nhận làm công việc này.

Hơn 2 năm nay, sáng thứ 2 và chiều thứ 7 - tuần 2 buổi như vậy, 25 em học sinh của nhà trường được đưa đón đi, về bằng chiếc thuyền máy qua 10 cây số mặt nước hồ Thác Bà do anh Thiểu lái. Mặc nắng mưa trời đất, kệ ốm đau bản thân, gác lại bận bịu gia đình, chưa lần nào anh Thiểu bỏ buổi lái.
 
Anh nghĩ cho lũ trẻ trước khi nghĩ cho mình: "Mình mà nghỉ một buổi là mấy đứa nhỏ mất một buổi học. Thế nên, dù thế nào cũng cố gắng đưa đón chúng đầy đủ”. Đúng là từ ngày có thuyền, có anh Thiểu lái thuyền, lũ trẻ chưa bao giờ phải nghỉ học vì yếu tố khách quan.
 
"Những học sinh sinh sống ở đảo hồ đã không còn bỏ học, tỷ lệ chuyên cần nâng cao, thầy cô không còn phải đến từng nhà vận động các em đi học như trước nữa. Những điều ấy cũng là nhờ có công sức của anh Thiểu” - cô Lương Thị Xuyến - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Thành khẳng định vậy.

Không phải dư rỗi về thời gian, chưa từng khá giả về tiền bạc khi gia đình anh mưu sinh bằng đánh bắt cá tôm trên hồ, đan rọ tôm và làm thuê mướn nhưng anh Thiểu chẳng những bỏ ngày, bỏ buổi lái thuyền mà còn không đòi hỏi bất cứ điều gì bù đắp cho công sức. Bởi anh suy nghĩ đơn giản lắm: "Người trong làng cùng xã cả, giúp nhau được gì thì giúp. Các cháu cũng như con cái mình, chỉ mong chúng an toàn đến trường, học lấy con chữ cho cuộc đời sau này tốt hơn”.
 
Biết ơn anh Thiểu giúp mình yên tâm về sự an toàn của con em khi đến trường và thấu hiểu ngoài công sức anh bỏ ra, còn chi phí vận hành con thuyền nên những phụ huynh ở đây tự nguyện bảo nhau góp mỗi người ba đến năm nghìn đồng mỗi chuyến gửi anh Thiểu, số tiền ấy cũng là bù vào chi phí xăng dầu và duy tu, bảo dưỡng con thuyền.

Lặng lẽ với những buổi đón đưa lũ trẻ, việc làm của người đàn ông dân tộc Dao ấy bình dị mà thật đáng trân quý! 

Hạnh Quyên