Yên Bái: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2018 | 10:32:37 AM

YBĐT -  Toàn tỉnh có 67 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 39,6%; 99,6% giáo viên mầm non đạt chuẩn; tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 79,6%. Trong những năm gần đây, tỉnh đã khuyến khích mở rộng phát triển loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập.  

Một góc hoạt động của các bé Trường Mầm non Thực hành.
Một góc hoạt động của các bé Trường Mầm non Thực hành.


Xác định giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ, ngành giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) tỉnh Yên Bái đã quan tâm thực hiện tốt chương trình GDMN với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này.

Cơ sở vật chất hệ thống trường MN ngày càng được cải thiện, trong đó, năm học 2017 - 2018, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã xây mới 20 phòng học, 26 phòng chức năng, cải tạo 49 bếp ăn và 86 công trình vệ sinh; Sở trang bị cho các trường MN 8 bộ đồ chơi giáo dục phát triển vận động, 24 phòng học tương tác, 31 bộ đồ chơi ngoài trời, cùng nhiều thiết bị dạy học, bàn ghế... với tổng số tiền đầu tư 19,3 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, hàng năm, ngành cũng đã tạo điều kiện cho giáo viên MN được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; khuyến khích giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong làm đồ dùng, đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới; chú trọng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ… nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 67 trường MN đạt chuẩn quốc gia, chiếm 39,6%; 99,6% giáo viên MN đạt chuẩn; tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 79,6%.

Trong những năm gần đây, tỉnh đã khuyến khích mở rộng phát triển loại hình GDMN ngoài công lập. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 169 trường MN, trong đó có 159 trường MN công lập, 10 trường MN tư thục, 23 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. 100% nhóm lớp này được cấp phép hoạt động, thu hút gần 3.000 trẻ, chiếm 5,2% trẻ ra lớp trong toàn tỉnh.
 
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các nghị định, thông tư của Chính phủ về xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, chống tai nạn thương tích. 100% các cơ sở MN được cấp giấy chứng nhận an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, biểu đồ tăng trưởng theo đúng quy định.
 
Để nâng cao chất lượng, các trường đã tích cực đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, tập trung xây dựng môi trường cho trẻ trải nghiệm; tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; khuyến khích giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, lập kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch, chương trình phù hợp với tình hình thực tế địa phương, nhà trường; 100% các cơ sở GDMN được học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình GDMN sau sửa đổi.

Để hỗ trợ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình, năm học 2017 - 2018 vừa qua, Sở đã trang bị 24 phòng học tương tác; 63 bộ thiết bị dạy học 4-5 tuổi; mua 1.730 cuốn tài liệu thực hiện Chương trình GDMN sau chỉnh sửa cấp cho các đơn vị.
 
Các nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện các chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường MN”, 100% các cơ sở GDMN triển khai thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tập trung xây dựng môi trường trong và ngoài lớp theo bộ tiêu chí Bộ GD-ĐT ban hành. 

Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức cuộc thi "Trường mầm non xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện” các cấp, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, có những thay đổi rõ nét tại các đơn vị trường học. 

Năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cho bậc học này với việc tập trung vào nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm tuyệt đối an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Chú trọng hướng dẫn hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN ở các vùng khó khăn, các lớp ghép nhiều độ tuổi, chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, quan tâm tới trẻ có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục trẻ khuyết tật...
 
Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về GDMN; tăng cường công tác quản lý tại các cơ sở GDMN nâng cao nề nếp, kỷ cương, trách nhiệm...
 
Với những nhiệm vụ và giải pháp đề ra ngay từ đầu năm học, chắc chắn GDMN sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt tạo nền tảng vững chắc cho những bậc học tiếp theo, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Minh Tư