Xây dựng trường THPT đạt chuẩn hướng đến huyện nông thôn mới ở Trấn Yên: Cần có sự vào cuộc đồng bộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2018 | 8:11:54 AM

YBĐT - Để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020 Trấn Yên còn nhiều việc phải làm, còn nhiều tiêu chí phải nỗ lực, trong đó có việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Một giờ học của cô và trò Trường THPT Hưng Khánh.
Một giờ học của cô và trò Trường THPT Hưng Khánh.

Cuối năm 2017, huyện Trấn Yên được chủ trương xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trấn Yên cũng là niềm tin của tỉnh gửi gắm huyện, bởi sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Trấn Yên là địa phương có nhiều nỗ lực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phong trào XDNTM.


Dù vậy, để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020 Trấn Yên còn nhiều việc phải làm, còn nhiều tiêu chí phải nỗ lực, trong đó có việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi về Trường THPT Hưng Khánh, một trong hai trường THPT của huyện Trấn Yên để tìm hiểu công tác chuẩn bị xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mới được tách ra từ Trường Liên cấp II - III Trấn Yên, nên ngay bộ máy Ban giám hiệu mới của trường cũng chưa đầy đủ thủ tục, chưa đủ chức danh Hiệu trưởng mà chỉ là Phụ trách trường. 

Tiếp chúng tôi là cô giáo Nguyễn Thị Thúy Lan - nguyên Hiệu trưởng Trường Liên cấp II - III Trấn Yên, Phụ trách Trường THPT Hưng Khánh. Đưa chúng tôi đi tham quan trường, cô Lan chia sẻ rằng nhà trường mới chỉ đạt 1/5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia - điều đó thực sự là rất khó khăn. Nhưng trong lộ trình đến năm 2020, Trường sẽ xây dựng đáp ứng đủ 5 tiêu chí.

Trong khuôn viên nhà trường những dãy lớp học bằng tôn ghép xưa cũ vẫn còn ngổn ngang, dãy nhà 2 tầng đã cũ, dãy nhà mới xây còn tốt nhưng lại không đủ tiêu chuẩn diện tích cho phòng học bộ môn, nhà điều hành còn chật chội... 

Ngần ấy thôi cũng đã thấy việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn ở đây sẽ có rất nhiều việc phải làm, cần thời gian, nguồn lực đầu tư. Cô Lan cho biết: "Vừa qua, đoàn của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và huyện đã đến trường rà soát. Sau buổi làm việc, phòng chuyên môn của Sở đã có ý kiến phản hồi, hướng dẫn cụ thể về những việc nhà trường cần làm. Hiện nay, nhà trường cũng đã chủ động triển khai những phần việc thuộc trong khả năng, trách nhiệm của mình”. 

Việc thiếu cơ sở vật chất thì huy động nguồn lực của tỉnh, của địa phương, nguồn xã hội hóa sẽ giải quyết được, việc mất cân đối cơ cấu giáo viên sẽ được sự trợ giúp của ngành. Nhưng có lẽ đáng lo nhất vẫn là chất lượng giáo dục khi mà tỷ lệ học sinh khá giỏi thấp, học sinh yếu kém cao hơn so với tiêu chí. 

Thêm vào đó là tỷ lệ học sinh bỏ học và chuyển trường cao so với quy định. Chẳng hạn, năm học 2017 - 2018, toàn trường có 21 học sinh bỏ học, chiếm 3,2%, vượt 2,2% so với tiêu chí. Cô Lan chia sẻ: "Vùng này, tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Ở đây lại có tập tục bắt vợ nên chủ yếu học sinh bỏ học với lý do lấy vợ, lấy chồng sớm và đi làm ăn xa”. 

Được biết, để giảm tình trạng bỏ học, tới đây nhà trường phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề đưa vào giảng dạy một số nghề hệ trung cấp như nấu ăn, chăm sóc sắc đẹp... giúp phụ huynh có niềm tin cho con học THPT ra trường sẽ có thêm kiến thức để làm nghề. 

Đặc biệt, năm học 2018 - 2019 nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động tập thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thu hút học sinh. Cô Lan cho biết thêm: "Mỗi năm nhà trường phấn đấu tổ chức 4 hoạt động lớn, các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ sẽ được đẩy mạnh thường xuyên hơn nữa”.

Theo lộ trình đến năm 2020, Trường sẽ đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia nhưng trước những khó khăn thực tế nhà trường cần nhiều hơn sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhân dân nhất là phụ huynh học sinh. 

Ông Trần Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên khẳng định: "Những năm qua chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến tỷ lệ học sinh bậc THPT bỏ học. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương nên tới đây huyện sẽ làm quyết liệt, có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời giải quyết tốt các chính sách liên quan cho học sinh. Từ đó sẽ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp học này”. 

Huyện Trấn Yên hiện có 2 trường THPT đó là Trường THPT Hưng Khánh và Trường THPT Lê Quý Đôn. So với Trường THPT Hưng Khánh thì Trường THPT Lê Quý Đôn có điều kiện đạt chuẩn sớm hơn. Do đó, theo lộ trình của huyện, kết thúc năm học 2018 - 2019, Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ đạt chuẩn. Hiện nay, nhà trường đã đạt 4/5 tiêu chí chuẩn quốc gia. 



Trường THPT Lê Quý Đôn đã đạt 4/5 tiêu chí chuẩn quốc gia. (Trong ảnh: Hoạt động giáo dục thể chất của học sinh nhà trường).

Thầy Phan Tất Kha - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng trường chuẩn cách đây 3 năm, nhưng từ cuối năm 2017, được biết về chủ trương xây dựng huyện nông thôn mới, nhà trường càng thêm động lực để phấn đấu. Vừa qua, Sở GD-ĐT, huyện đã tiến hành rà soát các tiêu chí chuẩn, nhà trường đã đạt 4/5 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí về cơ sở vật chất chưa đạt. 

Huyện cũng đã có chủ trương cho nhà trường xây dựng thêm dãy phòng học mới, nhà để xe nhưng hiện tại khu vực dự kiến xây dựng những công trình này nhà trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của nhà trường. 

Thầy Kha cho biết: "Từ năm 2007, tôi về nhận công tác ở trường cho đến nay nhà trường đã sử dụng và quản lý khu đất đó, không có tranh chấp với người dân. Hiện nay chủ trương của huyện, thị trấn nhất trí cấp quyền sử dụng cho nhà trường. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra đo đạc nhưng đến nay sau nhiều tháng nhà trường vẫn chưa nhận được sổ đỏ của khu đất này. Do đó, chưa thể triển khai được các phần việc còn lại trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia”.

Để có thể bảo đảm việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại hai trường THPT của huyện đảm bảo đúng lộ trình XDNTM, huyện và Sở GD - ĐT cũng đã có nhiều cuộc làm việc và biên bản ghi nhớ phối hợp. 

Ông Trần Đông thông tin, huyện đã có sự thống nhất giữa địa phương và Sở GD-ĐT về cách làm. Đây là cấp học thuộc Sở GD-ĐT quản lý nhưng với yêu cầu của huyện, Phòng GD-ĐT huyện cùng vào cuộc làm tốt công tác tham mưu, vận động học sinh ra lớp ở khu vực Hưng Khánh. 

"Tôi khẳng định rằng việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở 2 trường THPT trên địa bàn mà đặc biệt là Trường THPT Hưng Khánh sẽ kịp đúng tiến độ đề ra. Huyện huy động tất cả các nguồn lực, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện cùng tham gia. Phòng GD-ĐT huyện sẽ trực tiếp đồng hành cùng hai đơn vị nhà trường giải quyết những khó khăn để đạt mục tiêu đề ra” - ông Đông nói.

Đó là quyết tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị trường học trong mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Điều này rất cần thiết cho công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí và XDNTM. 

Song đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong phong trào XDNTM, đừng để đến khi cần đáp ứng các tiêu chí mới quan tâm hơn tới giáo dục THPT.

Tư duy lâu nay của chúng ta về địa phương mình còn nghèo, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều... nên chủ yếu quan tâm tới các cấp học phổ cập giáo dục như mầm non, tiểu học, THCS mà ít quan tâm tới giáo dục cấp THPT - cấp học quyết định nhiều tới trình độ dân trí, chất lượng lao động của một địa phương, nhất là khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 đầy thách thức.

Thanh Ba