Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế - Bài 3: Để tự chủ là động lực phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/11/2018 | 8:03:45 AM

YBĐT - Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tự chủ tài chính, các cơ sở y tế công đã năng động hơn, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Song, trong quá trình vận hành tự chủ, các cơ sở y tế công lập cũng đang đối mặt với những khó khăn để duy trì hoạt động của mình.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ xét nghiệm chẩn đoán bệnh.


"Loay hoay” tìm ra hướng đi phù hợp

Có thể thấy, từ việc được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động, nay chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự thu - tự chi, các cơ sở y tế công đối mặt không ít khó khăn, đang phải "loay hoay” tìm ra hướng đi phù hợp. Nếu như trước đây, lãnh đạo cơ sở y tế chỉ cần làm công tác quản lý về chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân là chính, nay phải lo thêm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế. 

Trong khi đó, văn bản từ Trung ương đến địa phương ban hành chưa đồng bộ, như: cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị còn bất cập; việc thanh quyết toán của cơ quan BHXH chậm, không kịp thời cho các cơ sở KCB làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị...

Là tuyến KCB cao nhất của tỉnh về KCB bằng y học cổ truyền (YHCT), Bệnh viện YHCT tỉnh Yên Bái hiện có quy mô 120 giường bệnh. Nhiều năm qua, Bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp cơ bản về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; mạnh dạn đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB. 

Bà Đặng Thị Như Hoa - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Bệnh viện đã thực hiện tự chủ 100%, hiện chúng tôi đang gặp nhiều vướng mắc và cần được tháo gỡ như: văn bản hướng dẫn chưa chi tiết; cơ chế chính sách về tuyển dụng cán bộ chưa cụ thể hay việc sử dụng vốn tự đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị còn nhiều bất cập… Vì vậy, không đáp ứng kịp thời hoạt động chuyên môn. Hơn thế, từ năm 2016 đến nay, việc thanh quyết toán BHYT của cơ quan BHXH còn chậm nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Bệnh viện”. 

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ là bệnh viện hạng II đã thực hiện tự chủ 100% về tài chính từ đầu năm 2018. Bác sỹ Đào Thanh Quyết - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cho hay: Hiện nay, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bởi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư xây dựng từ năm 2005 đến nay một số hạng mục đã xuống cấp cần phải cải tạo, sửa chữa. Bên cạnh đó, Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khi quy mô xây dựng ban đầu là 250 giường bệnh, nhưng hiện tại trung bình số bệnh nhân điều trị mỗi ngày là khoảng 400 bệnh nhân. 

Vì vậy, Bệnh viện phải cơi nới, dồn ghép các khu vực hành chính để ưu tiên kê thêm giường. Kế đến, tổ chức bộ máy thiếu nhân lực, nhất là cơ chế tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Mặc dù được giao tự chủ chi thường xuyên nhưng Bệnh viện chưa được giao quyền tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động để bảo đảm nhân lực làm việc. 



Các cơ sở y tế đã được đầu tư máy siêu âm chẩn đoán hình ảnh, góp phần điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Song song với đó, về ngân sách và cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh nhưng vẫn chưa tính đủ nên không bảo đảm cân đối thu chi… Ngoài ra, các văn bản của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khi hướng dẫn các cơ sở KCB thanh quyết toán chi phí KCB BHYT không thống nhất gây nhiều khó khăn - bác sỹ Đào Thanh Quyết thông tin thêm. 

Thực hiện tự chủ tài chính các cơ sở y tế tuyến tỉnh đã khó khăn như vậy, với cơ sở y tế tuyến huyện chắc chắn còn muôn phần khó khăn hơn. Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, ngoài những khó khăn như ở tuyến tỉnh thì năng lực kỹ thuật và chất lượng KCB còn hạn chế do cán bộ chưa có nhiều điều kiện học tập, đặc biệt là các chuyên khoa như: tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt, da liễu và truyền nhiễm, huyết học, tâm thần kinh. 

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tài chính, mặc dù đơn vị được giao tự chủ toàn bộ chi thường xuyên khối chữa bệnh, ngân sách Nhà nước cấp một phần khối trạm y tế xã nhưng cơ chế tài chính chưa rõ ràng, nên rất khó khăn khi thực hiện; cơ chế thu hút cán bộ giỏi ở tuyến huyện còn rất ít; chính sách tiền lương và chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế còn thấp, chênh lệch giữa công và tư chưa đủ sức hấp dẫn thu hút được đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác tại đơn vị...  

Thêm những "liều thuốc” tháo gỡ khó khăn để tự chủ thành công

Cùng sự nỗ lực của các đơn vị y tế, để tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở, tỉnh ban hành nhiều văn bản, trong đó, Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 3/5/2018 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”; Công văn số 901/UBND-NC ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh về việc tham mưu xây dựng đề án chuyển sang cơ chế tự đảm bảo hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp các dịch vụ có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình đảm bảo kinh phí hoạt động có thời hạn… 

Qua đây đã tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị tự chủ phát triển, nguồn kinh phí kết dư do các đơn vị tự chủ tiếp tục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. 

Không chỉ vậy, đồng hành cùng các cơ sở y tế, ngành y tế Yên Bái tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các giải pháp để tháo gỡ nút thắt, như ý kiến của ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế: "Cần sự tham gia, hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, phải hoàn thiện đề án tự chủ chi tiết của từng đơn vị, xin ý kiến tham gia của các ngành liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị tự chủ; tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý, tiến hành đổi mới toàn diện cơ chế tài chính, chuyển từ bao cấp sang hạch toán tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có chính sách thưởng, phạt khuyến khích các đơn vị tự chủ. Tham mưu cơ chế thi tuyển giám đốc hoặc thuê giám đốc điều hành các cơ sở y tế, tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 93 của Thủ tướng Chính phủ”. 

Cùng các giải pháp mà "tư lệnh” ngành y tế đưa ra, các cấp có thẩm quyền cần cho cơ chế tự chủ về bộ máy cho các đơn vị được giao tự chủ để họ tự tổ chức, xây dựng, quyết định tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế phù hợp với điều kiện thực tế; chủ động quyết định đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn phát triển sự nghiệp phục vụ công tác chuyên môn; đặc biệt, ngành y tế phải uốn nắn kịp thời tình trạng giữ bệnh nhân khi năng lực chuyên môn không bảo đảm để "tận thu” BHYT đã ít nhiều xảy ra tại một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh…

Với quyết tâm tiếp tục xây dựng hệ thống y tế từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, ngành y tế Yên Bái đang nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, trong đó, tự chủ là hướng đi hợp quy luật phát triển. Tin rằng, với những kết quả đạt được cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn của bộ, ngành, của tỉnh… các đơn vị y tế công lập sẽ "tự chủ” thành công, tạo bước phát triển mới trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Trần Minh