"Đuốc sáng" Bảo Tân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2018 | 8:18:29 AM

YBĐT - Mười ba năm làm bí thư chi bộ cũng là từng ấy năm ông được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng trong thực hiện các phong trào thi đua và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Bí thư Chi bộ Khuất Minh Tảo nghiên cứu các tư liệu, tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bí thư Chi bộ Khuất Minh Tảo nghiên cứu các tư liệu, tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bí thư Chi bộ thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái - Khuất Minh Tảo đã sưu tập được nhiều tư liệu quý về Bác, trở thành kho tàng kiến thức để bà con trong thôn đến tham khảo, học tập và noi theo. 

Gặp Bí thư Chi bộ Khuất Minh Tảo vào một buổi chiều đông se lạnh, trong căn phòng khách nhỏ ấm cúng có không gian trưng bày giống như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ, sau khi mời chén trà nóng, biết tôi đang tò mò về những gì trông thấy, ông Tảo đã giới thiệu những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nâng niu từng trang sách, bài báo viết về Bác đã ngả màu thời gian, Bí thư Chi bộ Khuất Minh Tảo tâm sự: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã thích đọc những tư liệu viết về Bác, do đó mà tình cảm dành cho Bác ngày càng lớn dần theo năm tháng. Mỗi khi được đọc, được nghe những câu chuyện kể về Bác là tôi xúc động lắm! Bởi thế nên Bác đã đi xa mà vẫn thấy như rất gần. Những việc làm, lời nói, tư tưởng của Bác luôn là kim chỉ nam cho mọi  hành động của Đảng và nhân dân Việt Nam. Do đó, tôi luôn trân trọng, giữ gìn những tư liệu về Bác như vật báu trong nhà". 

Cho đến nay, ông Tảo đã sưu tập được nghìn bài viết, ảnh tư liệu về Bác. Được biết, những tài liệu này đều đã được ông dày công nghiên cứu, tìm hiểu và trích nguồn từ các tờ báo, tạp chí uy tín trong nước như: Quân đội, Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Yên Bái... Sau đó, phân loại đóng thành từng quyển và cất giữ cẩn thận. 

Ông Tảo bộc bạch: "Với nhiều người, những tờ báo, tạp chí sau khi đọc xong có khi sẽ trở thành giấy vụn hoặc dùng để gói hàng, song với tôi lại rất quý. Có lần đi mua gạo, vô tình thấy người bán gạo dùng báo để lót tải, trong đó, lại có bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hay và sâu sắc. Vậy là, tôi lại xin về cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng mang ra đọc". 

Đã trở thành thói quen, ngày nào cũng vậy, công việc đầu tiên sau khi thức dậy của ông Tảo là ngồi đọc các bài viết về Bác. "Ông ấy bảo "thấm lắm, đúng lắm, cần phải đọc và suy ngẫm" vì tôi là đảng viên, bí thư chi bộ, không trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thì khó mà hoàn thành tốt được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó" - bà Nguyễn Thị Bé, vợ của ông Tảo chia sẻ. 

Lật giở từng trang báo, bài viết và kể cho tôi nghe những nội dung mà ông học được từ Bác như: phương pháp làm dân vận; nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không quan liêu, tham ô, tham nhũng... 

Với ông Tảo, việc sưu tầm những tư liệu về Bác không chỉ là cách tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với vị cha già của dân tộc, mà còn là nguồn tài liệu quý giúp ông trau dồi kiến thức, đạo đức; từ đó, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công việc và cuộc sống. 

Ông Tảo đã tự làm một cuốn sổ ghi chép riêng cho mình với tựa đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đồng thời, thường xuyên đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào các buổi sinh hoạt chi bộ để các đảng viên trao đổi, thảo luận, đăng ký nội dung học và làm theo Bác; qua đó, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính trị của chi bộ. 

Với 13 năm làm bí thư chi bộ, chưa một chút ngưng nghỉ và luôn dồn nhiệt huyết cho công việc, ông Tảo đã làm được những điều thật bình dị, song lại vô cùng có ý nghĩa. Thấy lũ trẻ trong thôn, ngày lễ, ngày tết luôn có nhu cầu vui chơi, giải trí mà điều kiện của thôn lại chưa thể đáp ứng. Vậy là, chẳng ngại tuổi cao, ông Tảo đã rủ mấy người lớn trong thôn đi học đánh trống, múa lân rồi về dạy lại cho đám thanh niên. Do đó, đã nhiều năm nay, phong trào văn hóa, văn nghệ ở thôn Bảo Tân rất phát triển. Mỗi dịp tết đến xuân về hay rằm Trung thu là cả thôn lại vui như hội, người già, trẻ nhỏ, ai cũng phấn khởi vì nhu cầu hưởng thụ văn hóa đã được nâng lên. 

Hiện, danh tiếng của đội múa lân thôn Bảo Tân đã lan tỏa rộng khắp nên hàng năm có nhiều nơi mời đến biểu diễn. "Với đặc thù là thôn có địa hình dàn trải, các khu dân cư sinh sống không tập trung, trong cùng một thôn mà có hộ cách nhau tới 5 km. Nhưng mỗi khi trong thôn có việc gì cần triển khai là ông Tảo lại chẳng kể nắng, mưa, sớm, tối, đi tới từng nhà để thông báo, tuyên truyền; đồng thời, tranh thủ nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân" - ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó trưởng thôn Bảo Tân chia sẻ. 

Không chỉ gương mẫu đi đầu trong thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước khi triển khai bất kỳ công việc gì của thôn, xóm, ông Tảo đều dành thời gian nghiên cứu, tổ chức họp bàn lấy ý kiến của đảng viên và nhân dân rồi mới triển khai thực hiện. 

Bởi thế, ông được người dân trong thôn ví như "ngọn đuốc" soi đường và là sợi dây nối tình đoàn kết. Nếu như trước đây, Nhà văn hóa thôn Bảo Tân chỉ là ngôi nhà xây cấp bốn xập xệ, dột nát, chật hẹp thì nay đã được xây mới khang trang, sạch đẹp, có khuôn viên, tường rào đầy đủ với sức chứa cả trăm người. 

Đây chính là thành quả, sự nỗ lực không chỉ của người dân thôn Bảo Tân khi sẵn sàng đóng góp kinh phí tu sửa mà còn là "quyết tâm" không nhỏ của Bí thư Chi bộ Khuất Minh Tảo trong tuyên truyền, vận động. Nhà văn hóa thôn Bảo Tân giờ đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giúp người dân trong thôn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. 

Coi "việc xã hội như việc nhà", nhận thấy việc đi lại của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn do đường chật, cầu hẹp, nắng bụi, mưa lầy, vừa qua, ông Tảo lại tiếp tục vận động bà con trong thôn chung sức, đồng lòng quyên góp tiền, ngày công mở rộng, nâng cấp những tuyến đường trong thôn với tổng chiều dài hơn 1.500 m, xây dựng 2 cống thoát nước, 3 cầu bê tông và đường bê tông qua suối dài 300 m. Tổng trị giá các công trình gần 2 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70%, còn lại là nhân dân thôn Bảo Tân đóng góp. 

Không giấu nổi niềm vui khi đưa tôi đi thăm những con đường "ý Đảng, lòng dân" và chỉ cho tôi xem những cây cầu bê tông vừa được xây mới, ông Tảo cho biết: "Trước đây, những chiếc cầu này rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người đi, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân thường không dám đi vì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, từ khi được làm mới, những cây cầu này không những đảm bảo an toàn hơn mà còn được mở rộng giúp các loại xe đạp, xe máy, xe bán tải và xe phục vụ hiếu, hỷ có thể đi qua được". 

Lòng dân đồng thuận, đến nay, mọi việc ở thôn Bảo Tân đều được triển khai thuận lợi, người dân trong thôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua lao động, sản xuất, tập trung phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Minh Bảo. Thôn Bảo Tân hiện không có tệ nạn xã hội; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa chiếm 96%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hơn 20 năm qua, thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên...

Với những nỗ lực của mình, ông Tảo đã vinh dự được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và bí thư chi bộ tiêu biểu tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2018. 

Đây là phần thưởng cao quý và cũng là nguồn động viên để Bí thư Chi bộ thôn Bảo Tân - Khuất Minh Tảo tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng và các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương.

H.O