Hiểm họa bóng cười

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2018 | 10:50:25 AM

YBĐT - Bóng cười hay còn được gọi với tên funkyball là một trong những trào lưu đang được giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thịnh hành nhất hiện nay. Họ coi đây là một thú vui dùng để xả stress. Tuy nhiên, việc hít bóng cười đang gây những hệ lụy khôn lường.

Mới đây, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Yên Bái đã thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Vũ Anh Tú về tội "Tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy”, tại quán Karaoke Xmen, thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Số tang vật mà lực lượng công an thu giữ có tới 26 bình khí nén dùng để bơm bóng cười cùng hàng trăm quả bóng bay. Từ vụ án trên cho thấy, tình trạng giới trẻ Yên Bái sử dụng bóng cười là không ít. Vậy bóng cười là gì, hệ lụy của nó ra sao? 

Theo các tài liệu đã công bố, bóng cười là khí gây cười, tên hóa học là đinitơ monoxit hay nitrous oxide, là hợp chất hóa học với công thức N2O. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười (funkyball). 

Bóng cười hay còn được gọi với tên funkyball là một trong những trào lưu đang được giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thịnh hành nhất hiện nay. Họ coi đây là một thú vui dùng để xả stress. 

Bóng cười không phải là một loại thuốc hay trò chơi nó thực chất chỉ là những quả bóng bay bình thường nhưng được bơm thêm khí nitrous oxide và công việc của người dùng chỉ là "thổi" và "hít" - "hít" và "thổi". Do không phải là một loại ma túy nên bóng cười không bị cấm. Vì thế, người ta công khai giao bán trên mạng hoặc nhiều sự kiện giải trí khác nhau.

Bác sỹ Hồ Hữu Hóa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái cho biết: "Việc cho rằng hít bóng cười không độc hại và không gây nghiện là quan niệm hết sức sai lầm. Thực tế, khi đưa một lượng hóa chất vào cơ thể thông qua đường hô hấp, hóa chất đó nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể và tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch, gây ra ngộ độc. Hóa chất gây ra ảo giác dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng dùng nhiều lần rất dễ đưa con người ta chìm đắm vào ảo giác, dẫn tới trầm cảm. Vụ 7 thanh niên thương vong tại lễ hội âm nhạc tổ chức tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội mới đây là một thí dụ điển hình”. 

Hệ lụy khi chơi bóng cười còn nguy hiểm ở việc dân chơi bóng cười rất dễ sử dụng các loại ma túy khác "nặng” hơn như: cần sa, hêrôin, thuốc lắc... Ban đầu, những bạn trẻ bị bạn bè lôi kéo khi tham gia các buổi sinh nhật, dạ hội hoặc khi biết được bạn trẻ nào đó đang buồn bực chuyện gia đình, học hành..., đám bạn xấu liền lôi kéo vào các trò vui để quên đi nỗi buồn, bắt đầu từ rượu, bia, bóng cười, rồi tiếp đến là các loại ma túy khác.

 D - một thanh niên ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái luôn khẳng định: "Bóng cười là thứ không cấm nên bán thỏa mái, bóng cười có bán tại nhiều nhà hàng, quán karaoke, thậm chí là cổng các trường phổ thông trung học”. Không chịu công nhận thú chơi khá thịnh hành hiện nay gây nghiện như D lại thừa nhận: "Chơi vào tạo cảm giác cười không ngừng, nhanh chóng quên đi nỗi buồn. Vì thế, dù không có nỗi buồn nào nhưng các bạn đều thích tụ tập để chơi cho vui vì nhớ cảm giác lâng lâng, cười nghiêng ngả”.

Như đã phân tích ở trên, việc hít bóng cười có hại cho sức khỏe, gây ngộ độc, ảo giác, nặng sẽ trầm cảm hoặc tử vong; sử dụng nhiều lần có thể gây nghiện, chưa kể "cấp độ” chơi bời của các bạn trẻ sẽ có nguy cơ tăng lên. Bên cạnh đó, đối tượng bán bóng cười sẽ chế thêm loại ma túy khác vào bình khí nén bơm bóng cười (ma túy đá là một thí dụ) cho khách dùng tăng độ ảo giác, bắt họ phụ thuộc vào nguồn hàng của mình nhằm tăng thu nhập. 

Độc hại, nguy hiểm như thế nên các bạn trẻ cần tránh xa vì cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui lành mạnh khác.

Tấn Đạt