Vì dân, lo trọn việc Đảng giao

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/11/2018 | 8:21:53 AM

YBĐT - Vi vu trên con đường bê tông thênh thang dài hơn hai cây số từ cuối thôn đến tận đường liên xã mà trong tôi vẫn đọng lắng những tình cảm thân thiết, kính trọng của người dân và lãnh đạo xã về người Bí thư Chi bộ tận tình lo trọn việc của Đảng giao.

Bí thư Chi bộ thôn Khe Bon - Nguyễn Hữu Cảng (thứ 2, trái sang) cùng lãnh đạo xã Bình Thuận trao đổi với nhân dân về thâm canh chè.
Bí thư Chi bộ thôn Khe Bon - Nguyễn Hữu Cảng (thứ 2, trái sang) cùng lãnh đạo xã Bình Thuận trao đổi với nhân dân về thâm canh chè.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…” - xin được mượn lời hát trong bài "Một rừng cây, một đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn để nói về người đảng viên suốt 14 năm gánh vác trọng trách Đảng giao, phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Ông là Nguyễn Hữu Cảng - Bí thư Chi bộ thôn Khe Bon, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.


Đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã, đồng chí Nguyễn Đức Quý - Chủ tịch UBND xã thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng mừng nhất là nhiều thôn vùng sâu, vùng xa tưởng chừng không thể thoát nghèo nay đã có sự bứt phá, trong đó nổi bật nhất là Khe Bon. Từ thôn thuộc diện khó khăn nhất nhì của xã, Khe Bon bây giờ đường sá, nhà cửa đều kiên cố, khang trang, cuộc sống người dân được cải thiện rất nhiều. 

Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho hay, trong khi các thôn khác còn loay hoay trong làm đường bê tông, huy động sức dân mấy năm trời còn trầy trật, thì ở Khe Bon mọi chủ trương của Đảng ủy, chính quyền triển khai xuống đều đạt kết quả khá tốt. Những chuyển biến tích cực đó có công sức không nhỏ của đồng chí Nguyễn Hữu Cảng - Bí thư Chi bộ. 

Từ trụ sở UBND xã, theo con đường bê tông uốn lợn chừng hơn 4 cây số, chúng tôi đến nhà Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Cảng. 

Ngôi nhà gỗ giản dị với những huân, huy chương và bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Ngoài 60 tuổi, nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh trai tráng lắm. Dáng nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, đúng chất lính năm nào.

 Anh em cùng đi hỏi vui: "Ông đi làm mà nhà cửa không khóa, cứ mở toang thế này nhỡ trộm vào thì sao?”. 

"Ở đây an ninh tốt lắm, tối đến ngủ chả nhà nào phải đóng cửa, xe máy để ngoài sân cả tháng chả sao” - đồng chí Cảng vui vẻ đáp lời. 

Góp câu chuyện, đồng chí Chủ tịch UBND xã nói rằng: "Trước đây, từ những năm 2000, thôn cũng có 2  đối tượng nghiện, nhà nào cũng cửa đóng then cài, hễ hở ra cái gì là mất cái đấy, an ninh trật tự rất phức tạp. Từ khi Đảng ủy ra nghị quyết, chính quyền xã chỉ đạo quyết liệt, thôn vận động đưa 2 đối tượng đi cai nghiện thành công thì đến nay thôn không có thêm một đối tượng nào mắc nghiện, mọi người yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.

Chúng tôi ra sân nhà cùng ngắm cảnh sắc thôn quê. Theo hướng tay đồng chí Cảng, trước mặt là những đồi chè, quế, cây lâm nghiệp xanh tít tắp. Để Khe Bon được như ngày hôm nay, là cả một chuỗi ngày vất vả, gian nan biết nhường nào của những người đứng mũi chịu sào như ông. 

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, năm 1974, lên định cư tại thôn Quăn Rẹ và đến năm 1981 ông lên đường nhập ngũ. Năm 1984, ông trở về địa phương, lập gia đình. Năm 1987, ông tham gia làm Đội phó của Hợp tác xã Quăn Rẹ, rồi Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Quăn Rẹ, khi Quăn Rẹ tách ra thành hai thôn, ông làm Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ thôn Khe Bon. 

Chỉ về phía con đường bê tông thênh thang uốn lượn bên cánh đồng lúa trĩu hạt, những nương chè xanh ngút mắt, Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Cảng cho biết: "Trước kia vùng này toàn đồi rừng hoang vu, các hộ dân chủ yếu là người Kinh lên làm kinh tế mới, cuộc sống "không điện, không đường”, chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân hàng ngày vẫn phải vượt núi băng rừng để đi, tôi đã trăn trở nhiều ngày. Chi bộ, thôn đã họp, bàn bạc, ban hành nghị quyết vận động nhân dân tham gia mở đường, trước mắt để thuận tiện đi lại, sau là thông thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

"Có đường, có điện thì cuộc sống mới đổi thay được” – ông Cảng nhớ lại. 

Nhưng nói thì dễ, khi bắt tay vào công việc cụ thể mới thấy hết sự khó khăn. Quãng đường dài hơn 2 cây số, khi đó là năm 1990, việc thuê máy móc phương tiện rất khó khăn, trong khi cả thôn chỉ có gần 30 hộ dân, không máy móc, phương tiện hỗ trợ, chỉ làm thủ công.

Song với sự quyết tâm của Chi bộ và nhân dân, hơn nửa năm trời, con đường đất đã hoàn thành, ô tô có thể ra vào để vận chuyển hàng hóa. Tiếp đến là rải cấp phối mặt đường, rồi tự kéo điện về thắp sáng cho bà con nhân dân, đồng chí lại phải lăn lộn, chạy ngược chạy xuôi cả năm trời mới xong. 

Rồi xây dựng nông thôn mới, cũng là một nan giải. Thôn được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ là thôn đi đầu trong việc huy động nhân dân tham gia làm đường bê tông nông thôn. 

Khó khăn bởi thuần nông, thu nhập chỉ trông vào hơn 20  héc ta chè trung du già cỗi, 50 héc ta đồi rừng và 19 héc ta lúa nước, tỷ lệ hộ nghèo lại cao, nhưng xã giao cho Khe Bon năm 2014 bê tông hóa gần 900 mét đường. Hơn chục cuộc họp với dân mà bà con vẫn có ý kiến chưa thống nhất. 

Không nản lòng, đồng chí lại đến tận những gia đình sống ven đường để vận động, thuyết phục nói rõ lợi ích của việc mở đường, đồng thời vận động những cán bộ, đảng viên trong thôn có diện tích đất lúa, vườn tạp ven đường tự nguyện hiến đất, chính ông đã tự nguyện phá bỏ hơn 300 mét vuông đất vườn tạp, đất thổ cư, tường rào để mở rộng lòng lề đường. 

Vậy là, các hộ dân sống hai ven đường đã đồng tình ủng hộ, nhiều hộ đã tự nguyện phá bỏ cả trăm mét vuông đất ruộng, vườn tạp, đất thổ cư để mở rộng lòng lề đường mà không nhận bất cứ một đồng tiền hỗ trợ nào. 

Đoạn đường bê tông dài gần 900 mét với tổng kinh phí trên 675 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 391 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp đã hoàn thành. Từ thành công đó, năm 2015, thôn hoàn thành thêm 545 mét đường bê tông và tháng 9/2018 hơn 600 mét đường bê tông nội thôn đã hoàn thành. 

Tổng kinh phí đóng góp của nhân dân trong ba lần làm đường lên tới hơn 1 tỷ đồng, bà con đã hiến trên 2.800 m2 đất và hàng trăm ngày công lao động, nhiều hộ còn tự nguyện đóng góp thêm kinh phí để làm đường bê tông nông thôn. 

Về Khe Bon, chúng tôi được nghe chuyện về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và thấy đó là một thành công lớn của Chi bộ và của người Bí thư cấp ủy. Đồng chí Cảng đã cùng Chi bộ vận động các đảng viên, nhân dân tập trung phát triển kinh tế, cải tạo những diện tích chè trung du bằng giống chè cành, chè lai cho hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao; cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, thâm canh tăng vụ. 

Từ chỗ hàng năm thôn phải nhận trợ cấp gạo cứu đói thì nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 70% năm 2014 xuống còn 29% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm, các mô hình phát triển kinh tế với mức thu nhập trên 60 triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều, thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát. 

Cùng đi trên con đường bê tông mới, bà Lê Thị Mến, 83 tuổi phấn khởi: "Tính ra nhà tôi hiến cả đất vườn tạp, đất ruộng cũng tới hơn 300m2, thôn có ý định hỗ trợ chút kinh phí nhưng tôi nhất quyết không lấy, mình làm để đời con, đời cháu mình còn được hưởng nữa. Với lại nhiều nhà cũng có đòi hỏi gì đâu, có đường, có điện thì cuộc sống mới đổi thay được, mình sống cả đời vất vả rồi, phải đồng lòng mà vươn lên”. 

Chia tay Khe Bon khi nắng vàng như tưới mật trên những cánh đồng lúa trĩu hạt, vi vu trên con đường bê tông thênh thang dài hơn hai cây số từ cuối thôn đến tận đường liên xã mà trong tôi vẫn đọng lắng những tình cảm thân thiết, kính trọng của người dân và lãnh đạo xã về người Bí thư Chi bộ tận tình lo trọn việc của Đảng giao.

Thanh Tân