Văn Chấn thực hiện tốt các chính sách dân tộc

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/12/2018 | 8:12:39 AM

YBĐT - Điển hình như năm 2018, huyện đã quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư như công trình đường giao thông và kéo điện lưới quốc gia vào thôn Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. 

Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, nhân dân thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, nhân dân thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh được sử dụng điện lưới quốc gia.

Năm 2018, Chương trình 135 trên địa bàn huyện Văn Chấn đã đầu tư thi công trên 40 công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, văn hóa, giáo dục... Trong đó, 15 công trình chuyển tiếp và trên 25 công trình khởi công mới, tổng nguồn vốn trên 24,4 tỷ đồng. 


Ngoài ra, còn có công trình cầu treo ở xã Đồng Khê và 2 công trình thủy lợi ở xã Sùng Đô, xã Nậm Mười được đầu tư duy tu, bảo dưỡng với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng, giúp nhân dân đi lại thuận lợi và đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. 

Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: hàng năm, ngoài việc chủ động phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn khác thực hiện hiệu quả, kịp thời các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, Phòng còn tích cực tuyên truyền các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đồng thời, nắm bắt tình hình dân tộc, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, hiệu quả các chính sách dân tộc. Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có sự điều chỉnh kịp thời các chính sách đầu tư phát huy hiệu quả sát thực nhất. 

Điển hình như năm 2018, huyện đã quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư như công trình đường giao thông và kéo điện lưới quốc gia vào thôn Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng vốn trên 5,7 tỷ đồng. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... đã có 62 hộ thuộc diện hộ nghèo DTTS được vay vốn tín dụng với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng; 16.221 hộ vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với trên 77 tỷ đồng để phát triển kinh tế; chính sách về bảo vệ phát triển hơn 33.400 ha rừng cho trên 180 nhóm hộ với gần 1.500 hộ tham gia quản lý đang phát huy hiệu quả khả quan. Toàn huyện có 2 xã tham gia đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, 9 xã tham gia đề án phát triển cây ăn quả có múi... 

Qua đó, đã trồng mới trên 80 ha cây ăn quả có múi, 80 ha chè Shan và phát triển trồng rừng kinh tế. Các chính sách về văn hóa, xã hội cũng được thực hiện tốt và kịp thời. 

Trên 13,680 tỷ đồng được hỗ trợ cho 2.680 học sinh bán trú cùng hàng trăm tấn gạo đã giúp học sinh ổn định đời sống để học tập tốt; trên 9.430 hộ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo ở 27 xã vùng khó khăn đã được hỗ trợ trực tiếp với số tiền gần 3,890 tỷ đồng và hỗ trợ tiền điện, tiền dầu hỏa thắp sáng cho trên 9.860 hộ nghèo với số tiền trên 2,890 tỷ đồng; cấp phát trên 98.500 thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân cùng nhiều chính sách khác như cấp phát báo chí, tài liệu cho người uy tín, bí thư chi bộ... 

Sự quan tâm của huyện, các chương trình, dự án, chính sách đối với người DTTS trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, kịp thời đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS nói riêng và nhân dân trong huyện nói chung. 

Châu Á