Kết quả tiêm vắc - xin ComBE Five quy mô nhỏ ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/1/2019 | 8:37:37 AM

YênBái - YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã đưa vắc xin DPT-VGB-Hib, có tên thương mại là ComBE Five, vào sử dụng quy mô nhỏ từ tháng 1/11/2018 - 15/11/2018.

Tiêm chủng đầy đủ là cách duy nhất và hiệu quả để phòng chống bệnh tật cho trẻ.
Tiêm chủng đầy đủ là cách duy nhất và hiệu quả để phòng chống bệnh tật cho trẻ.

Thực hiện Quyết định số 2912 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kom Tum, Bình Định, Bà Rịa, Vũng Tàu), tỉnh Yên Bái đã đưa vắc xin DPT-VGB-Hib có tên thương mại là ComBE Five vào sử dụng quy mô nhỏ từ tháng 1/11/2018 - 15/11/2018.


Từ tháng 3/2018, vắc xin Quinvaxem do Công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib ngừng sản xuất. 

Bởi vậy, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong Chương trình TCMR. 

Bác sỹ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Do lượng vắc xin Quinvaxem vẫn còn tồn lại nên Trung tâm vẫn tiếp tục cung cấp cho các trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh được đến hết tháng 8/2018". 

"Đến tháng 11, Trung tâm bắt đầu sử dụng vắc xin ComBE Five với quy mô nhỏ, chỉ tiêm cho những trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên đến dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm mũi 1; còn những trẻ chưa được tiêm đủ mũi trong thời gian thiếu vắc xin sẽ được tiêm bổ sung sau khi được Bộ Y tế cho phép triển khai tiêm ComBE Five trên toàn quốc" - Bác sỹ Quang nói.

Theo đó, tỉnh đã triển khai tiêm vắc xin ComBE Five tại 167/180 xã, phường, thị trấn với 1.086 trẻ được mời tiêm vắc xin. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do nên mới có 713 trẻ được tiêm chủng, đạt 65,7%. 

Khi thực hiện tiêm chủng, các quy định về an toàn tiêm chủng luôn được đảm bảo. Các bàn tiêm được bố trí theo nguyên tắc một chiều đúng quy định, có phòng ngồi chờ sau tiêm, có kế hoạch tiêm chủng được lập từ Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. 

Phích vắc xin tại bàn tiêm đảm bảo nhiệt độ theo yêu cầu, có đầy đủ hộp chống sốc phản vệ, đủ danh mục theo quy định của Bộ Y tế. Đội cấp cứu cơ động thường trực tại các cụm tiêm chủng sẵn sàng hỗ trợ cho các điểm tiêm khi có tình huống phản ứng sau tiêm. 

Trước đó, các cán bộ y tế tham gia tiêm chủng đã được tập huấn chuyên môn các nội dung về: thông tin vắc xin ComBE Five, tính an toàn của vắc xin, lưu ý sử dụng đối với vắc xin, hướng dẫn bà mẹ cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, theo dõi phát hiện và xử trí sau tiêm chủng, xử trí phản vệ sau tiêm chủng, cấp cứu ban đầu tại trạm y tế... 

Sau khi tiêm, hầu hết các trẻ có biểu hiện sốt nhẹ đến sốt vừa (từ 37,5oC - 38oC). Trong 95 trường hợp phản ứng thông thường không nhập viện (ghi nhận khi trẻ có sốt được gia đình đưa đến trạm y tế hoặc cán bộ trạm y tế gọi điện hỏi thăm tình trạng trẻ) có 11 trường hợp sốt cao trên 39oC, 1 trường hợp sưng đau tại chỗ tiêm. Tất cả các trường hợp sốt vừa đến sốt cao đều được tư vấn và điều trị bằng thuốc hạ sốt thông thường, không có trường hợp nào co giật; tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 13,32%.

Từ thành phần cho tới những phản ứng thông thường sau khi tiêm của vắc xin ComBE Five tương tự như Quinvaxem và trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vắc xin này cũng đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với tổng số trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO. 

Bởi vậy, người dân trong tỉnh không nên lo sợ mà tạm dừng tiêm vắc xin cho trẻ. Việc tiêm vắc xin là cách duy nhất và hiệu quả để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Nguyễn Anh