Mù Cang Chải nỗ lực giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/1/2019 | 7:58:37 AM

YênBái - Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo năm 2018 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mù Cang Chải đã giảm 7,61%. Năm 2019, huyện phấn đấu giảm 7,5% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 44%.

Người dân huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ máy cày để phát triển sản xuất.
Người dân huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ máy cày để phát triển sản xuất.

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, Ban Chỉ đạo  chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (CTMTQGGN) huyện đã phối hợp chính quyền các xã, thị trấn triển khai các chương trình, kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với lồng ghép các chương trình dự án, các nguồn lực đầu tư để xây dựng kế hoạch sát thực tế từng địa phương.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân tích cực lao động sản xuất, tạo việc làm tại chỗ; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài… 

Năm 2018, tổng nguồn vốn thực hiện CTMTQGGN huyện đạt trên 145 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương trên 115 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 29 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã hỗ trợ trên 22 tỷ đồng để xây dựng công trình đường giao thông xã Chế Tạo dài 4,5 km; đường bản Lả Khắt đi bản Sua Lông, xã Nậm Khắt trên 2,1 km; thủy lợi Háng Sê Cơ - Phùa Chứ, xã Lao Chải, quy mô 14 ha; thủy lợi Trống Sua Dinh, xã Nậm Có, quy mô 12 ha; thủy lợi Háng A, xã Hồ Bốn, quy mô 28 ha… 

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ trên 9,1 tỷ đồng đã triển khai hỗ trợ giống lúa, ngô, phân bón; hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng trên 13.897 ha tại xã Nậm Có và Cao Phạ trên 13.897 ha. 

Về giáo dục - đào tạo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 66,8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học sinh theo Quyết định số 239 và 2417/QĐ - TTg là 9.287 lượt học sinh; hỗ trợ miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015 với 18.690 lượt học sinh; hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015 với 23.278 lượt học sinh; học sinh bán trú được cấp tiền ăn theo Nghị định số 116/2016 với 19.135 lượt học sinh… 

Cùng với hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ như hỗ trợ tiền điện; 49.069 người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; người nghèo thuộc các thôn, bản đặc biệt khó khăn còn được trợ giúp pháp lý miễn phí, được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề. 

Để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 1.635 hộ nghèo vay trên 27,7 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội về công tác giảm nghèo, từ năm 2012 đến nay, trung bình hàng năm huyện có gần 100 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở. 

Vào các dịp tết Nguyên đán và giáp hạt, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do bị thiên tai rủi ro thiếu đói, còn được nhận gạo cứu đói của Chính phủ người nghèo trên địa bàn huyện bớt đi khó khăn ổn định cuộc sống. Đánh giá của Ban Chỉ đạo CTMTQGGN của huyện cho thấy: việc triển khai các chính sách đối với hộ nghèo đều đảm bảo đúng đối tượng và chế độ chính sách. 

Thạch Phong