Yên Bái: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/1/2019 | 1:54:34 PM

YênBái - Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngành y tế Yên Bái tiếp tục triển khai Kế hoạch 188 ngày 27/10/2017 của UBND tỉnh về thực hiện "Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020”.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tăng cường thông tin kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện cho vị thành niên. (Ảnh Thanh Chi)
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tăng cường thông tin kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện cho vị thành niên. (Ảnh Thanh Chi)

Bám sát Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020, những năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, đặc biệt là Bệnh viện Sản Nhi xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, bám sát các chỉ tiêu kế hoạch giao.

Sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị y tế trong ngành triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn thông qua các hình thức "Câu lạc bộ vị thành niên và thanh niên”, tăng cường truyền thông trong trường học, cộng đồng cho học sinh THCS, THPT. 

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tăng cường thông tin kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện cho vị thành niên; duy trì sinh hoạt định kỳ 22 câu lạc bộ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân ở cấp xã thuộc 7/9 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các hội thảo cấp tỉnh, huyện về tăng cường giải pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. 

Các hội, đoàn thành lập và duy trì "Câu lạc bộ kết nối mẹ và con gái”; "Câu lạc bộ giới tính”, "Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên’’... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi cho học sinh trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân. 

Tuy nhiên, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên còn nhiều khó khăn và xuất hiện những thách thức mới: tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, tỷ số giới tính khi sinh cao; chất lượng dân số được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Sự hiểu biết của người dân về sức khỏe sinh sản còn hạn chế và không đồng đều; chưa thực sự được quan tâm nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa hiểu biết, hành vi về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên/thanh niên và hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục còn hạn chế.

Cùng đó mạng lưới cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên, thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu; kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên còn hạn chế so với nhu cầu hoạt động; tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên vẫn diễn ra tại các cơ sở y tế tư nhân tuy chưa thống kê được số liệu cụ thể. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên phần lớn là do học sinh còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, tình yêu và tình dục, ảnh hưởng của hệ thống mạng Internet, một số em chưa có sự quan tâm của gia đình, cha mẹ, nhà trường. 

Theo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, năm 2018, số phụ nữ có thai trong tỉnh là 17.413 trường hợp, trong đó có 959 trường hợp có thai ở tuổi vị thành niên (so với năm 2017 phụ nữ có thai là 14.571 trường hợp, trong đó có 664 trường hợp có thai ở tuổi vị thành niên). 

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngành y tế Yên Bái tiếp tục triển khai Kế hoạch 188 ngày 27/10/2017 của UBND tỉnh về thực hiện "Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020”. 

Trong đó, ngành y tế sẽ là nòng cốt để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các thông tin kiến thức phòng tránh cho vị thành niên, thanh niên về các bệnh lây truyền qua đường tình dục; cung cấp cho  vị thành niên, thanh niên các thông tin về các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các dịch vụ tư vấn tránh thai, nạo phá thai; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ thân thiện cho vị thành niên, thanh niên... 

Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp với ngành giáo dục để tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên bằng các hình thức phong phú, đa dạng; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho các em, trang bị đầy đủ kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho các em có một môi trường tốt trong học tập và nâng cao sức khỏe.

Nguyễn Thị Kim Huế (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)