Tuyển Việt Nam tạo ra câu chuyện lớn từ những chi tiết nhỏ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/1/2019 | 10:00:08 PM

Tuyển Việt Nam lách qua khe cửa hẹp nhất để vào vòng knock-out Asian Cup, nhưng lại đặt vé và "thanh toán” nhận vé sòng phẳng để vào tứ kết một cách ngoạn mục.

Loạt đá phạt luân lưu 11 m đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup Tuyển Việt Nam vượt qua Jordan sau loạt đá luân lưu 11 m với tỷ số 4-2 để trở thành đội bóng đầu tiên có mặt tại vòng tứ kết Asian Cup 2019.

Mọi thứ xảy ra đúng theo kiểu câu chuyện thần kỳ của Thường Châu một năm về trước. Thắng ở luân lưu, với việc thủ thành của tuyển Việt Nam cản phá được cú sút của đối phương, trung vệ Bùi Tiến Dũng đá quả chốt.

Một năm trước U23 Việt Nam thắng U23 Iraq. Còn hôm nay, tuyển Việt Nam ở vị thế của một trong 4 đội thứ 3 xuất sắc nhất vòng bảng lại thắng một đội nhất bảng. Đây là chiến thắng có thể coi là tương tự năm ngoái, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt xa năm ngoái.

Thực tế, đội tuyển Việt Nam nhập cuộc chậm, bị cuốn vào tốc độ chơi bóng của đối thủ ở khoảng 20 phút đầu trận. Do đó, các học trò của HLV Park Hang-seo để mất sự kiểm soát khi có quá nhiều đường chuyền hỏng.

Và khi Jorrdan có bàn mở tỷ số bằng pha đá phạt ngoạn mục và hiểm hóc, quá nhiều người đã nghĩ đến bi kịch cho tuyển Việt Nam, nghĩ rằng chúng ta chỉ ở tầm vóc đó, tới đó mà đủ, may mắn nhận cũng đủ rồi.

Ông Park nói gì mà tuyển Việt Nam hoàn toàn thay đổi?

Song, hiệp 2 là câu chuyện khác. Việt Nam đã thay đổi thực sự khi chơi điềm tĩnh hơn. Các tuyển thủ đã bình thản hơn, họ nhận ra rằng Jordan thực chất không nguy hiểm, và họ cũng chơi quá thận trọng.

Và kể từ hiệp 2, Việt Nam làm chủ thế trận. Cơ hội của chúng ta nhiều hơn. Chúng ta cầm bóng nhiều hơn. Chúng ta tạo ra nhiều cơ hội hơn. Chúng ta làm chủ thế trận thực sự. Và có một điều có lẽ không ít người thắc mắc là: "Ông Park đã nói gì, làm gì ở giờ nghỉ giữa hiệp mà họ đã đổi thay đến thế?”

Pha ghi bàn gỡ hòa của Công Phượng thể hiện độ nhạy thực thụ của một cầu thủ tấn công có đẳng cấp kỹ thuật. Trọng Hoàng tạt bóng rất khôn ngoan. Nếu nó là pha tạt bổng, cầu thủ Việt Nam khó có cơ hội thắng được hàng thủ có chiều cao và sức bật của đối phương.

Nếu đó là một pha tạt bóng sệt, chưa chắc bóng đến được chân Công Phượng. Nhưng nó là cú rót có điểm rơi, với tầm cao của bóng rất khó chịu. Và Công Phượng thể hiện lý do tại sao người ta nhắc tới anh mấy năm rồi ở tình huống dứt điểm xuất sắc ấy. Có sự truy cản, có sự đeo bám, nhưng Phượng vẫn làm được điều mà anh cần phải làm.

Bàn thắng ấy thực sự là một thành tựu của việc thực hành cực kỹ càng các chi tiết nhỏ. Trọng Hoàng chỉ cần tạt bóng sai một chút về khoảng cách, không gian, điểm rơi…, nó sẽ trở thành một pha tạt vô vọng.

Định mệnh của đội bóng

Công Phượng chỉ cần tiếp cận chậm hoặc nhanh một phần ngàn giây, sai về không gian chỉ vài cm thôi, có thể anh sẽ không chạm được vào bóng. Tất cả đều là chi tiết, từng chi tiết nhỏ mà có thể chúng ta sẽ nghĩ đơn giản rằng "À, thì tuyển Việt Nam thắng nhờ tình huống”.

Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam cũng có rất nhiều pha cắt bóng đúng nhịp (intercept) tốt ở hiệp 2. Nếu chỉ sai thời điểm một chút xíu, tức là trật nhịp chút xíu, chúng ta sẽ không có được các pha cắt bóng tốt như thế. Và Việt Nam cũng kiểm soát bóng tốt hơn đối thủ. Đó cũng là chi tiết, những chi tiết ít ai đề cao, nhưng nó quan trọng vô cùng trong các môn thể thao.

Mấy ngày trước thôi, chúng ta đã ngỡ đội tuyển bị loại. Nhưng chỉ một thẻ vàng của Turmenekistan thôi, Việt Nam thành đội bóng đánh bại Jordan. Cái thẻ vàng, nó có là gì không? Hay nó chỉ lưu lại trong ta là giá trị của số tiền nộp phạt?

Thực ra, nó đã là định mệnh sống còn của một đội bóng ở một giải đấu. Nếu tuyển Việt Nam lĩnh thêm thẻ vàng, có thể giờ thầy trò HLV Park đã là khán giả, xem giải và chờ Tết.

Nếu Turmenekistan bớt thẻ vàng, cũng có thể giờ ta đang ngồi chê trách nhau rất nhiều. Và ngay cả pha đẩy luân lưu của Văn Lâm, nó cũng chỉ là chi tiết. Lâm chỉ cần sớm một nhịp thôi, hay trễ một nhịp thôi, ngày mai người ta sẽ nói về Lâm tiêu cực thế nào.

Nhưng bây giờ, đẩy quả luân lưu rồi, Lâm sẽ là người hùng, một người hùng cũng nhờ vào chi tiết.

Và chúng ta hãy rút ra cho chính mình một kinh nghiệm. Đó là đừng bỏ phí chi tiết nào của đời mình, bởi nó có thể tác động đến kết cục cuối cùng.

(Theo internet)