Cần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/1/2019 | 8:29:46 AM

YênBái - Cho vay nặng lãi dưới hình thức cầm đồ và thời gian gần đây là hỗ trợ tài chính đang mọc lên như nấm sau mưa, từ thành phố tỉnh lỵ đến các huyện, thị.

Địa phương nào cũng có cửa hiệu cầm đồ và dịch vụ hỗ trợ tài chính; đặc biệt là pa nô, biển hiệu, tờ rơi được dán khắp nơi như cột điện, gốc cây, bờ tường với những từ ngữ hết sức hấp dẫn: "Cho vay giá rẻ”, "Cho vay tiền chỉ cần chứng minh thư”, "Cho vay tín chấp”, "Bốc bát họ”... 

Ai cũng hiểu, hình thức cầm đồ và hỗ trợ tài chính chỉ là hình thức cho vay nặng lãi với mức lãi suất từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tức khoảng trên 180% năm, chưa kể lãi phạt chắc chắn lên đến vài trăm phần trăm mỗi năm. 

Để che mắt hoạt động tội phạm, các đối tượng cho vay lãi cao không ghi lãi suất trong giấy tờ vay tiền, không ghi hợp đồng vay tiền mà chuyển thành hợp đồng cho thuê, mượn tài sản để che mắt cơ quan chức năng. 

Cụ thể, khi người dân đến vay tiền thì nhân viên công ty làm thủ tục mua bán xe của người vay và cho người vay đứng tên thuê lại chính chiếc xe của mình nhưng thực tế là cho vay tiền với lãi suất 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Hình thức cho vay nặng lãi đang để lại rất nhiều hệ lụy. Bên cạnh việc áp dụng lãi suất cắt cổ, còn có bao nhiêu vấn đề khác như đòi nợ thuê, đe dọa, đánh đấm... chưa kể hình thức cho vay nặng lãi luôn đi kèm với các hành vi cờ bạc, cá độ... 

Bằng chứng là cứ khi nào có trận bóng đá hoặc giải bóng đá lớn thì dịch vụ hỗ trợ tài chính lại tấp nập. Thực tế, sẽ chẳng có ai vay tiền với lãi suất 200%/năm để kinh doanh.

Trước vấn nạn cho vay nặng lãi, công an nhiều tỉnh, thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thanh Hóa... đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này đồng thời siết chặt quản lý nghiêm ngặt hoạt động "tín dụng” bờ tường, gốc cây, cột điện. 

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng tín dụng đen cũng khá phát triển và diễn biến ngày càng phức tạp, để lại nhiều hệ lụy xấu. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tình trạng này đạt kết quả chưa cao, số vụ việc, số đối tượng bị khởi tố, truy tố về tội danh cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... rất ít hoặc chưa có. 

Trước tình hình kể trên, người dân mong muốn các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an cần đấu tranh, triệt phá, xử lý thật nghiêm ngặt hình thức tín dụng đen và các hành vi vi phạm có liên quan để bảo đảm bình yên cho cuộc sống.

Hành vi cho vay nặng lãi và tội cho vay nặng lãi được quy định như sau:

1. Hành vi cho vay nặng lãi

Tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mức lãi suất cho vay như sau: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác".

Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi". Hậu quả pháp lý: khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 20%/năm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

2. Tội cho vay nặng lãi

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Lê Xuân Trường