Qua miền danh thắng Mù Cang

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2019 | 4:53:08 PM

YênBái - Xuất phát từ thành phố Yên Bái, sau khoảng 4 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới điểm tổ chức Festival Dù lượn gần đỉnh đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải. Du xuân lên đây để được tận mắt ngắm những thửa ruộng bậc thang mà đồng bào Mông vừa gieo cấy và cũng là để tìm hiểu về phong tục ăn tết cổ truyền của người Mông

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác đầu tư và khai thác du lịch ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác đầu tư và khai thác du lịch ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Anh bạn cùng đi dựng chiếc xe máy vào lề đường để tận hưởng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở xã Nậm Có, Cao Phạ vừa được đồng bào Mông cày, bừa xong đưa nước vào gieo cấy vụ xuân tạo thành lớp lớp sóng nối nhau lên đỉnh núi. 

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - một du khách ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng bạn bè đi du xuân trên cao nguyên Mù Cang Chải chia sẻ: "Hàng năm, tôi thường cùng bạn bè lên Mù Cang Chải vào dịp cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ hội Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Năm nay, có chút việc bận không lên được vào đúng dịp lúa chín, nên mấy anh em quyết tâm du xuân lên đây để được tận mắt ngắm những thửa ruộng bậc thang mà đồng bào Mông vừa gieo cấy lúa xuân và cũng là để tìm hiểu về phong tục ăn tết cổ truyền của người Mông”. 

Chia tay đoàn khách du lịch, chúng tôi tiếp tục hành trình qua xã Púng Luông, Dế Xu Phình đến La Pán Tẩn - nơi có những thửa ruộng bậc thang mà người dân ở đây đặt tên cho là "mâm xôi” đẹp nhất ở Mù Cang Chải. Nhiều nhà nhiếp ảnh đã chụp được những bức ảnh nghệ thuật giành được giải thưởng cao ở chính nơi này.

 Không chỉ được khám phá những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn, du khách còn được khám phá lễ hội mùa xuân rất đặc sắc của người Mông. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện "ăn chung một tết Nguyên đán”, 100% đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã ăn tết lùi lại một tháng để dành thời gian gieo cấy 1.800 ha lúa vụ xuân. 

Thời gian ăn tết cũng không kéo dài cả tháng như trước nữa. Ăn chung một tết, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải vẫn duy trì các trò chơi dân gian như chọi dê, đánh quay, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném pao, hát giao duyên, thổi khèn, thổi sáo, kéo nhị, vui hội gầu tào... 

Ông Giàng Chứ Ly - nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn nói về phong tục đón tết cổ truyền của người Mông: "Hàng năm, vào ngày 30 tết, người Mông đóng một tập giấy bản vào vách, khi mổ gà cúng, lấy lông gà chấm vào tiết gà rồi đính lên trên tập giấy đó. Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang. Ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà để tỏ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp...”.

Ngày xuân lên Mù Cang Chải được cùng đồng bào Mông uống ly rượu ngô, rượu thóc nấu bằng men lá, ăn thắng cố thơm nồng mà thấy lòng ấm áp lạ thường. Khi "hầu mình” (uống cạn) một vài ly, rượu men lá đã ngấm, cảm giác người lâng lâng dập dìu khi nghe tiếng khèn của các chàng trai Mông gọi bạn. 

Người Mông sử dụng rất nhiều nhạc cụ trong ngày lễ tết, nhưng khèn là một nhạc cụ đặc trưng nhất, khèn đã trở thành di sản văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông. Tiếng khèn rộn rã trong ngày hội như báo hiệu một cuộc sống ấm no và là tiếng lòng da diết gọi bạn tình đến bên nhau. Vì vậy, tiếng khèn Mông được ví như "âm thanh của núi rừng”.

Bởi thế, du xuân lên cao nguyên Mù Cang Chải, đến các bản người Mông ở Nậm Có, Cao Phạ, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha. Lao Chải, Chế Tạo... du khách sẽ nhớ mãi miền đất tươi đẹp và đầy sắc màu văn hóa này, với các món ăn đặc sản của người Mông, chơi các trò chơi dân gian, trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người Mông cùng những cánh đồng bậc thang như những lớp sóng tít tắp nối nhau lên tận trời mây.

Nguyễn Giang