Tết của mẹ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2019 | 9:13:30 AM

YênBái - Năm nào cũng vậy, sắm sửa tết bên nhà chồng xong tôi lại tranh thủ ghé về thăm mẹ, và mẹ cũng chỉ chờ có vậy để hai mẹ con lại cùng nhau đi sắm tết.

Tranh đông hồ
Tranh đông hồ "đàn lợn âm dương" năm nay được nhiều người quan tâm, chọn lựa.

Chiều 28 Tết, tôi sang đưa mẹ đi chợ. Vừa thấy tôi, mẹ bảo "Con đưa mẹ đến hiệu sách trước nhé!”. Đi một vòng qua vài nhà sách mới tìm được thứ mẹ yêu thích. Mẹ chăm chú ngắm nhìn bức tranh Đông Hồ vẽ đàn lợn con quấn quýt bên bầu sữa.

- Năm nay là năm Hợi. Mẹ mong muốn chăn nuôi may mắn, đầy đàn, gia đình sung túc, khỏe mạnh, an nhàn - Mẹ bảo.

Tôi lẳng lặng theo mẹ, lòng thầm nghĩ, trí tưởng tượng của người xưa thật lạ. Cách lấy những con vật để gọi tên, để tượng hình những quãng thời gian cố định của người xưa mới kỳ diệu làm sao, giản đơn đấy nhưng chứa trong đó bao nhiêu ẩn số cao siêu. Chỉ là những con vật chó, mèo, gà, lợn, dê, ngựa, trâu... nhưng lại gắn liền với cuộc sống, nếp sinh hoạt của mọi người Việt từ khi sinh ra đến khi không còn trên cuộc đời...

- Ngày tết ngày xưa nhất định phải có thịt lợn, thịt gà, bánh trưng xanh, mứt tết, bánh pháo, tranh Đông Hồ, quyển lịch mới, giờ ngày nào cũng như tết chỉ còn thiếu bánh pháo đỏ và bức tranh truyền thống, nhưng pháo thì đã 25 năm không còn sử dụng nên mẹ còn sống ngày nào thì cũng cố gắng sắm đủ những thứ truyền thống đó con ạ - mẹ vừa ngắm bức tranh vừa nói.

- Vâng, giờ con cũng thấy tranh dân gian đẹp và ý nghĩa thật. Nhiều lần con vẫn thắc mắc sao mẹ cứ cầu kỳ tìm kiếm những bức hình này. 

Nhìn những bức tranh Đông Hồ về mẹ con đàn lợn, đám cưới chuột tưng bừng... ngộ nghĩnh, tôi lại như thấy mình đương cầm cuốn sách Văn học lớp 12 trong đó từng câu thơ trong bài thơ Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi tranh/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”... cứ nảy lên từng mảng màu tươi sáng. Thế mới biết, thời gian trôi hết năm này sang năm khác, vô tận. Ngày nào cũng sáng trưa chiều tối triền miên. Thời gian là giống nhau, lặp đi lặp lại. Biết chặt ra từng quãng, đặt tên cho nó, ước lệ cho nó một đặc điểm, thổi vào trong nó những dung mạo khác nhau, và rồi huyền bí hóa nó trong quan hệ với mỗi đời con người... quả là một kỳ tài của người xưa...

Lúc về, thấy ông già tóc trắng bay bay ngồi viết thư pháp, mẹ bảo: "Lúc nhỏ, cụ ngoại của mẹ là một nhà nho. Cuối Chạp, cụ thường trịnh trọng mở cuốn sách cổ Hán tự tính lịch. Giờ phút ấy nghiêm trang lắm. Cụ vén tay áo thụng, cầm bút lông, phóng những nét như "rồng bay, phượng múa”. Rồi cụ ghi tên năm vừa tính được trong sách cổ vừa trầm ngâm nghĩ câu đối nghênh xuân:  

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Đức mãn càn khôn, phúc mãn môn

Dịch là

Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà

Câu đối được treo lên, bên cạnh tờ tranh Đông Hồ.  Hai ước vọng trong năm mới!

... Nhớ lại những tết xưa khi còn ở bên mẹ, đêm 30 mẹ ngồi đính khuy áo tết cho anh em tôi bên nồi bánh chưng sôi xình xịch. Củi gộc tre phơi nỏ giờ lên than hồng rực. Tiếng pháo nổ lác đác. Bánh vớt ra chờ đúng đến giao thừa đặt lên bàn thờ sáng trưng đèn, hương tràm ngào ngạt. Mẹ đứng trước linh sàng kính cẩn thưa trình, mời chào tổ tiên. Hình ảnh trong gian phòng ấy với anh em tôi hẳn sáng bừng hơn bao giờ hết với câu đối đỏ còn sót lại của cụ có những dòng chữ thư pháp uốn lượn như giồng bay, bức tranh Đông Hồ một đàn gà dẫn nhau ra vườn mà thấy tết xưa ấm áp, linh thiêng làm sao!  Phút giấy ấy tôi như mê đi trong cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất của thời gian, của vũ trụ.

Tết xưa của mẹ ngọt ngào hương vị quê hương và đạo lý người Việt.

Thủy Thanh